Đó giờ mọi người thường hay nghe đến cụm từ “toàn cầu hóa” rồi phải không? Toàn cầu hóa là quá trình mà thế giới và các quốc gia chúng ta đang dần kết nối với nhau qua hàng hóa, dịch vụ, thông tin và con người. Nhưng liệu “làn sóng” toàn cầu hóa đang bị đảo chiều?
Nếu để ý, bạn có thể thấy rằng chính phủ Mỹ đang âm thầm triển khai một cuộc tái cấu trúc nền kinh tế toàn cầu với những thay đổi có tiềm năng định hình lại thế giới của chúng ta.
Table of Contents
Một thế giới đang thay đổi
Điều gì khiến “làn sóng” toàn cầu hóa đang bị đảo chiều? Để hiểu rõ hơn, hãy cùng Click Digital nhìn vào một câu phát biểu tưởng chừng đơn giản nhưng lại ẩn chứa một ý nghĩa sâu xa từ Tổng thống Joe Biden: “Không có lý do gì khiến cánh quạt tuabin gió lại được sản xuất tại Bắc Kinh thay vì Pittsburgh. Không có lý do gì…**”. Câu nói này báo hiệu một kỷ nguyên mới của hệ thống toàn cầu – một hệ thống mà tất cả chúng ta đang là một phần của nó, dù bạn có nhận thức được hay không.
Có thể thấy rằng, chính phủ Hoa Kỳ đang đẩy mạnh sản xuất trong nước, ưu tiên bảo vệ người lao động, môi trường và an ninh quốc gia. Điều này thể hiện rõ trong những chính sách mới của chính quyền Biden, bao gồm cả việc thúc đẩy sản xuất chip bán dẫn trong nước thông qua Đạo luật CHIPS, đầu tư vào các ngành công nghiệp then chốt như năng lượng sạch và ô tô, và áp dụng các biện pháp thuế quan để bảo vệ các nhà sản xuất trong nước.
“Thế giới phẳng” đã từng là một giấc mơ đẹp
Cái cách mà thế giới vận hành trong thời kỳ toàn cầu hóa, thứ mà chúng ta thường xem là điều hiển nhiên, thực chất là một cấu trúc tương đối non trẻ. Từ quần áo chúng ta mặc, thiết bị điện tử chúng ta sử dụng, vật liệu xây dựng nhà cửa, cho đến thức ăn hàng ngày – tất cả đều là sản phẩm của một trong những thành tựu vĩ đại nhất của loài người: thương mại toàn cầu.
Ngay từ những ngày đầu tiên, con người đã nhận ra lợi ích của sự chuyên môn hóa. Một nhóm người tập trung vào việc sản xuất một mặt hàng cụ thể, ví dụ như ngũ cốc, họ có thể tạo ra sản lượng vượt quá nhu cầu của chính họ. Phần dư thừa này sau đó được trao đổi với một nhóm khác chuyên sản xuất một mặt hàng khác, chẳng hạn như hàng dệt may. Sự trao đổi này, nơi cả hai bên đều được hưởng lợi nhiều hơn so với việc tự cung tự cấp, chính là nền tảng của thương mại và đã thúc đẩy sự phát triển của loài người vượt bật so với bất kỳ loài nào khác trên trái đất. Lịch sử văn minh nhân loại phần lớn chính là lịch sử của việc giao thương ở quy mô ngày càng mở rộng.
Vào đầu thế kỷ 20, thế giới đã được kết nối ở một mức độ nhất định với thương mại toàn cầu diễn ra rộng khắp. Tuy nhiên, hệ thống này vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế. Mỗi quốc gia có những quy tắc thương mại và đơn vị tiền tệ riêng. Nỗi lo sợ về sự cạnh tranh từ hàng hóa nước ngoài đã khiến các quốc gia dựng lên hàng rào thương mại và áp đặt thuế quan đối với hàng nhập khẩu.
Thế chiến thứ hai đã gần như xé toạt thế giới thành từng mảnh. Từ đống tro tàn của chiến tranh, Hoa Kỳ vươn lên trở thành cường quốc hàng đầu trên thế giới với sức mạnh quân sự và tầm ảnh hưởng bao trùm. Với vị thế mới này, Hoa Kỳ và các đồng minh đã thiết lập một trật tự kinh tế thế giới mới. Đồng đô la Mỹ trở thành đồng tiền chủ chốt, là điểm tựa cho các đồng tiền khác, giúp ổn định và dự đoán được các dòng chảy tài chính quốc tế. Hoa Kỳ cũng khuyến khích các quốc gia hợp tác để giảm thuế quan, mở cửa biên giới cho đầu tư và thương mại. Các nhà đầu tư có thể rót vốn vào hầu hết mọi nơi trên thế giới, các tập đoàn có thể tìm kiếm nguồn nhân công giá rẻ ở các nước đang phát triển. Thế giới trở thành một thị trường khổng lồ, mang lại lợi ích cho hàng trăm triệu người.
Ngay cả Trung Quốc cũng không thể đứng ngoài cuộc chơi. Trung Quốc đã mở cửa hàng chục thành phố ven biển để tham gia vào nền kinh tế toàn cầu. Hàng triệu người dân nông thôn Trung Quốc đổ xô đến các thành phố này, sẵn sàng làm việc với mức lương thấp. Các tập đoàn Mỹ nhận thấy lợi thế về chi phí đã chuyển nhà máy từ các thành phố công nghiệp truyền thống như Detroit và Buffalo sang Trung Quốc. Kết quả là hàng trăm triệu người Trung Quốc thoát khỏi đói nghèo, gia nhập từng lớp trung lưu và thượng lưu. Sự trỗi dậy của Trung Quốc là một minh chứng rõ nét cho sức mạnh của nền kinh tế toàn cầu do Hoa Kỳ kiến tạo sau Thế chiến thứ hai.
Bóng tối đằng sau “làn sóng” toàn cầu hóa
Tuy nhiên, câu chuyện không chỉ có mặt tích cực. Đối với nhiều người Mỹ, việc mất việc làm vào tay công nhân Trung Quốc không phải là một phép màu kinh tế mà là một sự phản bội, là con đường dẫn đến nghèo đói và suy thoái kinh tế. Cú sốc Trung Quốc là một trong những trải nghiệm đầu tiên về mặt trái của toàn cầu hóa cho thế hệ này. Mặc dù mang lại lợi ích cho nhiều người với giá cả hàng hóa giảm, nhưng đồng thời cũng gây ra những hệ lụy đau đớn cho một bộ phận không nhỏ dân số.
Dòng chảy hàng hóa khổng lồ từ Trung Quốc, từ máy giặt, giày dép, dụng cụ máy nướng bánh mì, ghế sofa, áo sơ mi, tất, đồ chơi, nệm, ghế xếp cho đến vô vàng mặt hàng khác, đã tràn ngập các cửa hàng bán lẻ như Walmart với mức giá rẻ đến khó tin. Sự bùng nổ sản xuất này đã tạo nên những tác động sâu sắc đến cuộc sống của người dân ở nhiều quốc gia như Việt Nam, Ấn Độ, Chile và Thái Lan, những nơi đã chứng kiến sự tăng trưởng kinh tế đáng kể trong những thập kỷ gần đây.
Kể từ những năm 1980, Trung Quốc đã hội nhập mạnh mẽ vào nền kinh tế toàn cầu, xây dựng một đế chế thương mại khổng lồ và đầy lợi nhuận không thể lường trước. Cả Hoa Kỳ và Anh Quốc đều lựa chọn những nhà lãnh đạo ủng hộ nhiệt thành cho chủ nghĩa tư bản toàn cầu và thương mại tự do. Triết lý kinh tế chủ đạo thời bấy giờ là “thương mại càng nhiều càng tốt”.
Hệ thống mới này được thúc đẩy bởi sự phát triển vượt bậc của công nghệ, giúp việc truyền tải thông tin, chuyển tiền, di chuyển con người và vận chuyển hàng hóa trên toàn cầu trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Thế giới từng là một nơi rộng lớn, đáng sợ và bị chia cắt, giờ đây bỗng chốc trở thành một thị trường thống nhất khổng lồ. Tất cả những thay đổi này diễn ra chỉ trong vòng vài thập kỷ.
Niềm tin, quy tắc và chính sách: “Cốt lõi” của toàn cầu hóa
Có một yếu tố quan trọng, có lẽ chưa được nhận thức rõ ràng vào thời điểm đó, đó là động lực thực sự đằng sau sự chuyển mình kỳ diệu của nền kinh tế thế giới. Không phải là công nghệ, động lực thực sự đến từ một trong những phát minh vĩ đại nhất của loài người: chính sách. Những điều khoản được viết ra, thiết lập các quy tắc mà các quốc gia và cá nhân cam kết tuân thủ, mới chính là “công nghệ” tối thượng. Niềm tin và sự tuân thủ chung đối với những quy tắc này đã tạo ra một môi trường ổn định và minh bạch, biến thế giới thành một thị trường toàn cầu, nơi các tập đoàn có thể tìm kiếm nguồn lực cần thiết, từ nguyên vật liệu đến nhân công, từ bất kỳ đâu trên thế giới, miễn là đáp ứng được lợi ích kinh tế.
Kết quả là, ngay cả những sản phẩm đơn giản như một chiếc áo phong cũng trải qua một chuỗi cung ứng phức tạp đến mức khó tin, sử dụng nguyên liệu và nhân công từ nhiều quốc gia khác nhau trước khi đến tay người tiêu dùng một cách nhanh chóng và thuận tiện. Chính sách đã tạo nên sự hợp tác trên quy mô chưa từng có giữa hàng tỷ người, những người không nói cùng một ngôn ngữ, không quen biết nhau, nhưng lại cùng tham gia vào một thị trường chung toàn cầu. Nền tảng tư tưởng của chính sách kinh tế chính là yếu tố cốt lõi hình thành nên quá trình toàn cầu hóa mà chúng ta biết đến ngày nay.
Toàn cầu hóa: Từ giấc mơ đến hiện thực phũ phàng
Hãy nhìn vào bức tranh hiện tại. Trung Quốc tiếp tục sản xuất hàng hóa và xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế giữa hai nước ngày càng gia tăng. Điều này lẽ ra phải ngăn chặn bất kỳ xung đột nào, đúng không? Nhưng thực tế lại hoàn toàn ngược lại.
Mọi chuyện đã diễn biến theo chiều hướng tiêu cực. Dựng lên rào cản thương mại, Trung Quốc hiện đang là đối thủ cạnh tranh chiến lược hàng đầu của nhiều quốc gia, đặc biệt là Hoa Kỳ. Gần đây, chúng ta chứng kiến một sự chuyển biến đáng kể trên toàn cầu khi các chính phủ bắt đầu hạn chế xu hướng toàn cầu hóa.
Xu hướng này thể hiện rõ nét qua việc nhiều quốc gia đang chủ động thúc đẩy sản xuất trong nước. Ấn Độ đang hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực dược phẩm và điện tử, để duy trì và phát triển sản xuất nội địa. Hàn Quốc cũng đang áp dụng chính sách ưu đãi thuế cho các công ty đầu tư vào cơ sở hạ tầng năng lượng xanh thay vì chờ đợi sự điều tiết của thị trường tự do. Nhật Bản khuyến khích các doanh nghiệp chuyển sản xuất trở về nước và dịch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc. Úc đang sử dụng ngân sách nhà nước để hỗ trợ các công ty khai thác khoáng sản phát triển cơ sở chế biến đất hiếm trong nước. Nigeria đang hạn chế nhập khẩu một số mặt hàng như gạo và xi măng nhằm thúc đẩy sản xuất trong nước và giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung từ nước ngoài. Châu Âu cũng không nằm ngoài xu hướng này. Nhiều quốc gia châu Âu đang đầu tư mạnh vào các ngành công nghiệp then chốt như năng lượng, nông nghiệp và ô tô, những ngành trước đây phụ thuộc nhiều vào nền kinh tế toàn cầu. Sự can thiệp của chính phủ vào các thị trường này khuyến khích doanh nghiệp và người tiêu dùng ưu tiên sản xuất và tiêu thụ nội địa.
Đáng chú ý, Hoa Kỳ, quốc gia tiên phong của nền kinh tế thị trường tự do hiện đại, cũng đang trải qua những thay đổi đáng kể trong chính sách kinh tế của mình. Trong những năm của chính quyền Obama, Hoa Kỳ đã theo đuổi mạnh mẽ chính sách thương mại tự do, đặc biệt là với các quốc gia châu Á. Tuy nhiên, dưới thời Tổng thống Trump và tiếp tục dưới thời Tổng thống Biden, chính sách kinh tế của Mỹ đang có sự chuyển hướng rõ rệt, hạn chế thương mại tự do và hướng tới bảo hộ hơn. Điều đáng chú ý là sự thay đổi này nhận được sự đồng thuận từ cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ.
Sự chuyển hướng này thể hiện rõ qua các dự luật chi tiêu công quy mô lớn, tiêu biểu là Đạo luật CHIPS với ngân sách hơn 50 tỷ đô la nhằm hỗ trợ các công ty sản xuất chip bán dẫn ngay tại Hoa Kỳ thay vì đặt tại châu Á. Xu hướng tương tự cũng đang diễn ra ở các ngành công nghiệp quan trọng khác như khai thác khoáng sản, sản xuất ô tô và năng lượng sạch. Chính phủ Mỹ không chỉ cung cấp hỗ trợ tài chính mà còn áp dụng các biện pháp bảo hộ thương mại. Chính quyền Biden đang tích cực áp dụng các biện pháp thuế quan để bảo vệ các nhà sản xuất trong nước, giảm áp lực cạnh tranh từ thị trường quốc tế. Đồng thời, Hoa Kỳ cũng hạn chế các công ty trong nước bán một số sản phẩm cụ thể cho Trung Quốc và tăng cường kiểm soát đầu tư từ Trung Quốc. Những chính sách này đánh dấu một sự thay đổi đáng kể so với trước đây.
Tại sao “làn sóng” toàn cầu hóa đang bị đảo chiều?
Vậy điều gì đã dẫn đến sự chuyển biến mang tính bước ngoặt này, từ một thời kỳ được coi là hoàng kim của thương mại tự do với kỳ vọng về một thế giới hòa bình, đến tình trạng cạnh tranh thương mại căng thẳng như hiện nay, đặc biệt là với Trung Quốc? **Câu trả lời cốt lõi nằm ở một từ: bảo vệ.
Yếu tố | Mô tả | Ảnh hưởng |
Bảo vệ người lao động | Lo ngại về việc mất việc làm do chuyển dịch sản xuất sang các nước có chi phí thấp hơn | Thúc đẩy chính sách bảo hộ, đầu tư vào các ngành công nghiệp trong nước, tạo việc làm |
Bảo vệ môi trường | Nhận thức về cuộc khủng hoảng khí hậu, cần thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp xanh | Thúc đẩy sản xuất năng lượng sạch, hạn chế phát thải khí nhà kính |
Bảo vệ chuỗi cung ứng | Đại dịch COVID-19 đã làm lộ rõ điểm yếu của chuỗi cung ứng toàn cầu | Thúc đẩy đưa chuỗi cung ứng trở lại trong nước, giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung từ nước ngoài |
Bảo vệ lợi ích quốc gia | Lo ngại về sự trỗi dậy của Trung Quốc, cạnh tranh về công nghệ và ảnh hưởng quốc tế | Thúc đẩy chính sách bảo hộ, hạn chế đầu tư từ Trung Quốc, kiểm soát công nghệ |
Nền kinh tế hướng nội đang được ưu tiên. Có bốn yếu tố chính giải thích cho sự thay đổi sâu rộng này trong chính sách kinh tế Hoa Kỳ:
- Bảo vệ người lao động: Toàn cầu hóa, bên cạnh những lợi ích kinh tế, cũng tạo ra những bất lợi cho một bộ phận người lao động, đặc biệt là những người Mỹ mất việc làm do các công ty chuyển dịch sản xuất sang các quốc gia có chi phí thấp hơn. Mặc dù giới chuyên gia kinh tế vẫn đang tranh luận về mức độ ảnh hưởng thực tế của vấn đề này, nhưng việc đóng cửa nhà máy và tình trạng thất nghiệp tại các khu vực công nghiệp truyền thống đã gây ra những tác động tâm lý tiêu cực đáng kể. Chính phủ các nước đang nỗ lực giải quyết những lo ngại này bằng cách đầu tư vào các ngành công nghiệp cụ thể để duy trì việc làm trong nước.
- Bảo vệ môi trường: Hệ thống kinh tế toàn cầu hiện tại chưa thực sự giải quyết triệt để vấn đề phát thải khí nhà kính. Nhận thức rõ về cuộc khủng hoảng khí hậu đang đến gần, các chính phủ nhận thấy cần phải can thiệp để thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp xanh, chẳng hạn như xe điện, pin năng lượng mặt trời và cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo. Cơ chế thị trường tự do khó có thể tự điều chỉnh để đạt được mục tiêu này và nếu không có hành động kịp thời, chúng ta sẽ phải đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng hơn.
- Bảo vệ chuỗi cung ứng: Hệ thống kinh tế toàn cầu vận hành dựa trên các chuỗi cung ứng phức tạp, với nguyên vật liệu được vận chuyển khắp thế giới để sản xuất ra sản phẩm cuối cùng. Mô hình này hoạt động tương đối hiệu quả cho đến khi đại dịch COVID-19 bùng phát, gây ra sự gián đoạn nghiêm trọng trong dòng chảy hàng hóa và dẫn đến tình trạng thiếu hụt như mặt hàng thiết yếu. Mặc dù một số nhà kinh tế cho rằng chuỗi cung ứng đã vận hành tốt trong thời kỳ đại dịch, nhưng thực tế cho thấy hệ thống này khá mong manh và dễ bị tổn thương. Sự phụ thuộc vào những kết nối toàn cầu dễ bị đứt gãy đã thúc đẩy nhiều chính phủ, bao gồm cả Hoa Kỳ, áp dụng chính sách bảo hộ nhằm đưa chuỗi cung ứng trở lại trong nước.
- Bảo vệ lợi ích quốc gia: Một yếu tố quan trọng khác là nhận định sai lầm về tác động của thương mại tự do đối với Trung Quốc. Trung Quốc đã tận dụng lợi thế của toàn cầu hóa để phát triển kinh tế mạnh mẽ, thách thức vị thế của Hoa Kỳ, xây dựng quân đội hùng mạnh và mở rộng tầm ảnh hưởng trên toàn cầu. Mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất trên thế giới đang ở trong giai đoạn căng thẳng nhất trong nhiều thập kỷ. Sự trỗi dậy nhanh chóng của Trung Quốc, một phần nhờ vào công nghệ của Mỹ, đặc biệt là công nghệ vi mạch, đã gây ra lo ngại cho Hoa Kỳ. Vi mạch không chỉ là thành phần quan trọng trong vũ khí hiện đại mà còn là động lực của cuộc cách mạng trí tuệ nhân tạo. Chính quyền Biden đã triển khai nhiều chính sách bảo hộ nhắm vào Trung Quốc nhằm ngăn chặn nước này sử dụng công nghệ của Mỹ để vượt lên. Một trong những chính sách này là di dời chuỗi cung ứng vi mạch ra khỏi khu vực lân cận Trung Quốc, cụ thể là Đài Loan, và đưa về Mỹ. Ví dụ như New Albany, Ohio.
Toàn cầu hóa: Chấm hết hay mới bắt đầu?
Chính vì vậy, chính quyền Biden đang đầu tư mạnh vào việc đưa sản xuất trở lại Mỹ. Xu hướng này phản ánh một hình thái của chủ nghĩa dân tộc kinh tế, nơi chính phủ can thiệp để đảo ngược một số hiệu quả của thị trường tự do. Thời kỳ đỉnh cao, ưu tiên là phân bổ sản xuất dựa trên lợi ích kinh tế tối ưu trên toàn cầu. Ưu tiên mới là bảo vệ người lao động trong nước. Điều này đồng nghĩa với việc sản phẩm sẽ được nghiên cứu, phát triển và sản xuất ngay tại Mỹ với mục tiêu tạo việc làm trên cả nước.
Hiện tại, thế giới đang phản ứng lại những điểm yếu mà họ nhận thấy trong hệ thống thương mại tự do toàn cầu. Nhiều quốc gia cũng đang dựng lên các rào cản thương mại dưới danh nghĩa là bảo hộ, nhưng ý nghĩa thực sự và hậu quả dài hạn của những hành động này vẫn chưa rõ ràng. Thật khó để không liên tưởng đến những năm 1930, khi các cuộc khủng hoảng kinh tế liên tiếp đã buộc các quốc gia phải dựng lên hàng rào thương mại cũng với lý do bảo hộ. Điều này đã dẫn đến leo thang xung đột kinh tế, bất ổn chính trị và cuối cùng là Thế chiến thứ hai.
Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên suy diễn quá mức. Mặc dù có những điểm tương đồng, nhưng không vội vàng kết luận rằng lịch sử đang lặp lại. Toàn cầu hóa đã tạo ra một thế giới phẳng, kết nối, nhưng đồng thời cũng mang đến những thách thức mới. Liệu “làn sóng” toàn cầu hóa đang bị đảo chiều hay chỉ là một sự điều chỉnh để thích nghi với những thay đổi mới?
Câu trả lời vẫn còn bỏ ngỏ. Click Digital sẽ tiếp tục cập nhật những diễn biến mới nhất về vấn đề này.
Bảng thống kê về các quốc gia đang hạn chế toàn cầu hóa
Quốc gia | Biện pháp | Mục tiêu |
Hoa Kỳ | Đạo luật CHIPS, thuế quan, hạn chế đầu tư từ Trung Quốc | Thúc đẩy sản xuất trong nước, bảo vệ lợi ích quốc gia |
Ấn Độ | Hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất nội địa | Giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung từ nước ngoài |
Hàn Quốc | Ưu đãi thuế cho công ty đầu tư vào năng lượng xanh | Thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp xanh |
Nhật Bản | Khuyến khích doanh nghiệp chuyển sản xuất về nước | Dịch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc |
Úc | Hỗ trợ các công ty khai thác khoáng sản | Phát triển cơ sở chế biến đất hiếm trong nước |
Nigeria | Hạn chế nhập khẩu gạo và xi măng | Thúc đẩy sản xuất trong nước |
Châu Âu | Đầu tư vào các ngành công nghiệp then chốt | Giảm sự phụ thuộc vào nền kinh tế toàn cầu |
Kết luận
Xu hướng toàn cầu hóa đang trải qua một giai đoạn chuyển đổi. Việc nhiều quốc gia ưu tiên bảo vệ người lao động, môi trường, chuỗi cung ứng và lợi ích quốc gia đã dẫn đến sự gia tăng các chính sách bảo hộ và hạn chế toàn cầu hóa. Liệu “làn sóng” toàn cầu hóa đang bị đảo chiều hay chỉ là một sự điều chỉnh để thích nghi với những thay đổi mới? Câu trả lời vẫn còn bỏ ngỏ, nhưng những thay đổi này sẽ có tác động sâu sắc đến nền kinh tế thế giới và cuộc sống của chúng ta.
Digital Marketing Specialist