Giải thích về dự án Wifi Map ($WIFI)

1. Đâu là cái “phễu” để thu hút người dùng biết đến, tải về và sử dụng sản phẩm WiFi Map?

Ở bất kì mô hình kinh doanh nào luôn luôn cần 1 chất xúc tác để thu hút khách hàng đến mua bán và sử dụng sản phẩm, ở đây mình gọi nó là “phễu”. Đây cũng chính là câu chuyện mà dự án mang đi kể với chúng ta, là câu chuyện mà chúng ta có thể mang đi kể với những người khác. Vậy câu chuyện ở đây là gì?

Đó chính là việc chúng ta chia sẻ các điểm phát WiFi để kiếm thưởng cũng như kết nối các điểm WiFi dựa trên bản đồ của ứng dụng cung cấp. Nếu nhìn vào thực tế cuộc sống, ta có thể làm gì với ứng dụng này? Như mọi người có thể biết, các điểm phát wifi công cộng như quán cà phê, nhà hàng, khách sạn, trung tâm thương mại hay bệnh viện hầu như sẽ không thay đổi password wifi một cách thường xuyên (thậm chí không có password hoặc không bao giờ thay đổi chúng), vậy về mặt lí thuyết các điểm này khi được thêm vào ứng dụng WiFi Map sẽ trở thành các điểm phát sóng cố định. Từ đó những người sử dụng ứng dụng sẽ có thể kết nối wifi khi di chuyển đến hoặc gần các điểm phát công cộng (được gợi ý kết nối từ ứng dụng). 

– “Ơ thế thì nó có gì đặc biệt đâu? Mình đến đó hỏi password cũng được mà?” – Đúng, sẽ rất tầm thường nếu chúng ta là người Việt Nam và di chuyển ở Việt Nam. Nhưng đây là ứng dụng không chỉ cung cấp giải pháp kết nối internet mà còn phục vụ cho mục đích du lịch trên toàn cầu, vậy câu chuyện sẽ trở nên khó khăn hơn nếu chúng ta muốn kết nối wifi khi đang ở nước ngoài. Khác biệt về ngôn ngữ sẽ khiến việc hỏi pass wifi trở nên gian nan hơn rất nhiều, chưa kể cơ sở hạ tầng ở mỗi quốc gia là khác nhau cho nên có thể việc kết nối wifi cũng không giống nhau. Nếu chúng ta không đi nước ngoài thì sao? Mình lấy ví dụ khi chúng ta di chuyển và dừng chân ở gần các điểm phát công cộng như quán cà phê, sẽ có bao nhiêu người mạnh dạn vào quán hỏi pass wifi rồi đi ra mà không mua bất kì món gì? Nếu bạn cảm thấy ngại chuyện đó ư, đã có WiFi Map giải quyết. Còn trường hợp khác tế nhị hơn là điểm phát wifi gia đình thì sẽ ít phổ biến và cũng khó kết nối hơn nên chúng ta có thể loại trừ.

➢ “Tại sao tôi phải sử dụng ứng dụng này hay mua eSIM của họ trong khi tôi hoàn toàn có thể mua sim 4G/5G?”

Trường hợp chúng ta sử dụng trong nước: Bạn không cần phải mua eSIM của họ vì đơn giản giá thành cao hơn những gì chúng ta đang có từ các nhà mạng Viettel hay Vinaphone (20$ cho 5GB/tháng). Tuy nhiên ứng dụng sẽ hỗ trợ chúng ta tìm các điểm kết nối wifi mà đã được thêm vào bản đồ của ứng dụng, điều này giúp chúng ta tiết kiệm dung lượng cũng như có thể cải thiện tốc độ mạng tuỳ từng trường hợp cụ thể. Vậy nên về cơ bản ứng dụng vẫn mang lại một vài lợi ích cho chúng ta.

Trường hợp chúng ta đi du lịch nước ngoài: Đây là lúc cần xem xét kĩ hơn và cũng là lúc eSIM của WiFi Map có cơ hội được sử dụng. Với 5$ cho 1GB/tuần và 13,5$ cho 3GB/15 ngày thì chúng ta có thể so sánh với việc mua sim 4G của các nhà mạng tại nước chúng ta đến. Vẫn sẽ là 1 ứng dụng bổ trợ tìm điểm phát wifi, tuy nhiên sẽ có lợi thế khi so sánh với mua sim 4G thông thường ở chỗ 15% hoàn tiền bằng WIFI khi mua dung lượng trên ứng dụng. Giả sử giá thành ngang nhau thì việc mua của WiFi Map chắc chắn sẽ có lợi hơn về mặt kinh tế, chưa kể số WIFI được hoàn lại có thể tái sử dụng cho việc mua dung lượng cho các lần kế tiếp. Như vậy chúng ta có thể hình dung được cách dự án bán hàng như nào phải không ạ?

2. Những lợi ích đi kèm cho người dùng để bổ trợ cho chiếc “phễu” đó là gì?

Như cái tên của sản phẩm cũng như của dự án có thể cho ta thấy rằng tính năng bản đồ cũng sẽ rất quan trọng bên cạnh việc kết nối wifi và các tính năng đã đề cập ở trên.

Lợi ích đi kèm cho người dùng sẽ được nhìn thấy khi sử dụng sản phẩm, có nghĩa rằng họ nhận được gì và độ hiểu quả ra sao. Điều chúng ta có thể hình dung đó là số điểm phát wifi ở thời điểm hiện tại chỉ tính riêng Việt Nam là rất rất lớn. Theo thống kê của ứng dụng, số điểm phát wifi tại Việt Nam mới chỉ gần 450.000 điểm, trong khi ai cũng biết rằng cuộc sống hiện tại mỗi gia đình, mỗi nhà đều có ít nhất 1 điểm phát wifi. Vậy nên cơ hội để thêm điểm phát cho người dùng là rất rất nhiều, mà mỗi điểm phát được thêm mới, họ sẽ được nhận WIFI airdrop 2 tuần 1 lần (hiện tổng giải thưởng là 150.000 WIFI được chia đều cho tất cả mọi người đóng góp).

 ➢ Chương trình airdrop sẽ diễn ra liên tục cho đến khi lượng phân bổ theo tokenomic ban đầu hết (phần thưởng cho hệ sinh thái là 0.5% tổng cung ~ 5 triệu WIFI), hiện dự án mới chỉ là giai đoạn đầu triển khai sang crypto nên với 300.000 WIFI/tháng, ước chừng thời gian chạy airdrop chỉ kéo dài 16 tháng là kết thúc. Mình chưa tìm thông tin thời điểm bắt đầu chạy chương trình này, nhưng nếu tính từ lúc $WIFI được list thì đã trải quả 6 tháng, có nghĩa chỉ còn 10 tháng để chúng ta có thể có cơ hội được airdrop khi thêm điểm phát wifi.

Bên cạnh đó, sẽ có bảng xếp hạng cho những ai tham gia đóng góp điểm phát wifi và đi kèm là phần thưởng WIFI cho những ai dẫn đầu, đồng thời khi lọt vào BXH chúng ta có thể có cơ hội nhận được Tip từ mọi người nếu họ muốn ủng hộ cho những người đóng góp tích cực. Ngoài ra sẽ có các mức phần thưởng cho từng mốc điểm phát mà chúng ta đóng góp, thứ tự như sau:

Mở khoá tất cả các điểm truy cập wifi trên bản đồ > Loại bỏ quảng cáo > Bản đồ ngoại tuyến không giới hạn > Chứng nhận thành viên đáng tin cậy (~100 điểm phát).

Chương trình affiliate – Mời bạn bè và kiếm tiền: Giảm giá 10% eSIM cho bạn bè và kiếm tiền khi họ thực hiện giao dịch mua đầu tiên.

3. Đâu là thứ giúp dự án chuyển users → $?

Phần này mình đã chia sẻ chi tiết về cách dự án kiếm tiền ở bài đầu tiên, mọi người có thể tìm đọc ạ.

Mình sẽ tóm tắt lại những ý chính như sau:

➢ Đăng ký trả phí bổ sung (gói premium và eSIM)

➢ Quảng cáo trả phí trong ứng dụng từ các nhà hàng, cửa hàng và địa điểm địa phương

➢ Tệp khách hàng tiềm năng cho các công ty du lịch/khách sạn

4. WIFI được vận hành như thế nào trong quá trình chuyển hoá?

Ở đây mình muốn nhắc đến cụ thể những trường hợp mà người dùng có thể trực tiếp tương tác với token WIFI. Hiện có 2 trường hợp đó là Airdrop và mua dung lượng eSIM (gói Premium hiện chỉ có thể mua bằng tiền FIAT, hi vọng họ sẽ áp dụng mua bằng WIFI trong tương lai). Cách sử dụng WIFI mình đề cập đó là hành động MUA và BÁN, trong đó người dùng có thể MUA trực tiếp WIFI trên ứng dụng bằng Apple Pay (iOS) nhưng không thể BÁN tại ứng dụng – buộc phải đưa token lên các sàn tập trung như OKX để bán hoặc chuyển sang ví khác để bán trên sàn DEX như Uniswap. Lưu ý mỗi ví WIFI (trên ứng dụng) chỉ cho phép lưu trữ tối đa 1000$.

➢ Trường hợp 1 – Airdrop

– Miễn phí: Người dùng chỉ cần tham gia đóng góp điểm phát, không mất chi phí

– Để rút ra mang đi bán, số lượng tối thiểu là 10$. Ví dụ sau khoảng 10 lượt thêm điểm phát, bạn được airdrop WIFI tương đương 3$, nếu bạn muốn bán số đó đi thì có những cách sau: Tiếp tục thêm các điểm phát và chờ airdrop cho đủ 10$ / Nạp tiền vào cho đủ 10$ rồi lại rút ra / Chờ giá WIFI x4 để số WIFI trong ví đạt giá trị vượt 10$ → Đây gần như chỉ là lượng khích lệ người dùng, không phải lực bán đáng kể ra thị trường, chưa kể để bán số airdrop này cũng không hề dễ dàng. Nếu là 1 crypto user thì có thể biết cách để bán, nhưng nếu là user thông thường thì tỉ lệ họ biết cách bán là bao nhiêu? Chưa kể số WIFI airdrop khi quy đổi sang $ rất ít nên gần như lực bán từ trường hợp này = 0.

➢ Trường hợp 2 – Mua dung lượng eSIM

– Chi phí sẽ dựa trên gói dung lượng mà người dùng muốn mua. Họ có thể mua trên sàn rồi chuyển về ví hoặc mua trực tiếp WIFI bằng FIAT (Apple Pay). Sau khi hoàn tất việc mua, 15% của giá trị gói mua được cash back về ví dưới dạng WIFI.

– Ở mức giá hiện tại, với gói cao nhất là 50$ cho 20GB thì 15% hoàn tiền chỉ tương đương 7.5$, không đủ 10$ để rút. Chính vì vậy, số 15% cash back này ngắn hạn sẽ có lực bán tương tự như Airdrop, còn về dài hạn nếu giá WIFI tăng thì số này sẽ tăng giá trị lên và đem lại lợi ích cho người dùng: Đủ điều kiện rút bán hoặc tái sử dụng để mua dung lượng eSIM với mức tiết kiệm >15% so với lần mua đầu tiên. Trong trường hợp giá WIFI giảm thì sẽ giảm lợi ích đi, đối lập với việc token tăng giá.

Một yếu tố quan trọng sau quá trình người dùng sử dụng WIFI để thanh toán mà mình muốn nhấn mạnh: Số WIFI này thực sự sẽ thoát khỏi lưu thông hay còn gọi là bị đốt đi (burn). Khi người dùng sử dụng WIFI để chi trả cho dịch vụ, WIFI như 1 bước trung gian để giúp người dùng nhận ưu đãi, trong khi dự án vẫn thua về được $/FIAT, như vậy số WIFI này sẽ bị tiêu đi sau mỗi giao dịch. Cơ chế này giúp dự án đạt trạng thái giảm phát tự nhiên dựa trên yếu tố mua bán thông thường, tức nghĩa càng nhiều giao dịch mua bán thì WIFI càng giảm phát và nó rất tốt cho dài hạn. Trong khi 10% của số WIFI này được chuyển sang WiFi DAO sẽ giúp cho DAO luôn luôn có được nguồn $ chia sẻ, chỉ cần có người sử dụng WIFI để mua dịch vụ.

5. Kết quả sau quá trình chuyển hoá và tác động của chúng đến token WIFI hay đến chính túi tiền của chúng ta là gì?

Bất kì dự án nào mà token có cơ chế giảm phát thì mình nghĩ sẽ luôn tốt cho dài hạn và cho kết quả tăng trưởng ổn định. Chưa kể lượng token WIFI được giới hạn ở mức 1B, sau khi release 100% sẽ không có tình trạng lạm phát như những dự án Layer 1 phải trả thưởng staking cho các bên chạy node. Với lượng người dùng lớn sẵn có sau hơn 8 năm làm việc, sản phẩm hoàn thiện và đã đi đến giai đoạn tạo doanh thu, kết hợp với cơ chế giảm phát nêu trên, trong tương lai mình tin rằng dự án sẽ tăng trưởng một cách bền vững và giá sẽ tăng đều theo thời gian. Khi đó việc của một nhà đầu tư như chúng ta chỉ cần tìm cho mình 1 vị thế tốt để nắm giữ token dài hạn, giá trị mà dự án đem lại cho người dùng sẽ tỉ lệ thuận với giá của WIFI (có thể theo cấp số nhân).

Lưu ý: bài viết chỉ cung cấp góc nhìn và không phải là lời khuyên đầu tư.

Rate this post

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *