Tỷ lệ NASDAQ và cung tiền M2 của Mỹ (NASDAQ/U.S. M2 Money Supply) đang cần phải được quan sát thật kỹ, vì tỷ lệ này vừa vượt qua mức đỉnh của tháng 3 năm 2000, thời kỳ bong bóng dotcom. Việc theo dõi tỷ lệ này giúp loại bỏ yếu tố lạm phát, từ đó cho phép chúng ta đánh giá chính xác hơn mức tăng trưởng thực sự của NASDAQ (cho thấy chỉ số đang ở vùng cao hay thấp) mà không bị ảnh hưởng bởi lạm phát (sự mất giá của đồng tiền).
Cùng với đó, chỉ số S&P 500/M2 Money Supply cũng đang tiệm cận đỉnh của năm 2000, chỉ còn cách một mức tăng nhỏ. Tuy nhiên, khi kết hợp với các yếu tố như P/E và P/B cao kỷ lục, sự gia tăng tỷ lệ thất nghiệp và các dấu hiệu từ thị trường, các nhà đầu tư cần phải hết sức thận trọng.
Table of Contents
1. Định nghĩa: Tỷ lệ NASDAQ / U.S. M2 Money Supply là gì?
Tỷ lệ NASDAQ / U.S. M2 Money Supply là chỉ số so sánh giữa giá trị của chỉ số NASDAQ và cung tiền M2 của Mỹ. Trong đó:
- NASDAQ là chỉ số chứng khoán đại diện cho các công ty công nghệ và các công ty tăng trưởng cao tại Mỹ, chủ yếu là các công ty niêm yết trên sàn giao dịch Nasdaq.
- M2 Money Supply là tổng cung tiền của nền kinh tế, bao gồm tiền mặt, tiền gửi thanh toán và các khoản tiền gửi tiết kiệm dễ dàng chuyển đổi thành tiền mặt. M2 được coi là chỉ số rộng hơn của lượng tiền lưu thông trong nền kinh tế.
Việc chia chỉ số NASDAQ cho M2 Money Supply giúp loại bỏ yếu tố lạm phát, tức là sự tăng trưởng của chỉ số NASDAQ không chỉ đơn thuần do sự mất giá của đồng tiền mà phản ánh mức tăng trưởng thực sự của các công ty. Tỷ lệ này giúp các nhà đầu tư đánh giá liệu thị trường chứng khoán đang bị thổi phồng so với lượng tiền thực sự có trong nền kinh tế hay không.
2. Tại sao phải xem xét tỷ lệ NASDAQ / U.S. M2 Money Supply?
Khi phân tích thị trường tài chính, nhiều nhà đầu tư chỉ tập trung vào các chỉ số cổ phiếu như NASDAQ hoặc S&P 500. Tuy nhiên, cách xem này có thể dẫn đến sự thiếu sót nhỏ khi không xem xét đến yếu tố lạm phát và sự mất giá của đồng tiền. Chỉ số NASDAQ tăng có thể không phản ánh sức mạnh thực sự của thị trường, mà chỉ đơn giản là do giá trị của USD bị suy giảm. Do đó, việc chia NASDAQ cho cung tiền M2 Mỹ (U.S. M2 Money Supply) là cần thiết để loại bỏ tác động của lạm phát và đánh giá giá trị thực của thị trường, giúp ta dễ dàng nhận ra chỉ số NASDAQ đang ở vùng cao hay vùng thấp (vùng bán hay vùng mua).
Chỉ số NASDAQ / M2 Money Supply đo lường hiệu suất thực tế của thị trường chứng khoán, loại trừ sự ảnh hưởng của lượng tiền đang lưu thông. Đây là công cụ quan trọng để xác định liệu thị trường đang tăng trưởng thực sự hay chỉ đang bị thúc đẩy bởi dòng tiền ngày càng mở rộng.
3. Chỉ số NASDAQ và NASDAQ / U.S. M2 Money Supply đạt đỉnh mới
Hiểu rõ tầm quan trọng của NASDAQ / M2 Money Supply, chúng ta hãy xem xét tình hình thực tế của chỉ số NASDAQ. Chỉ xét riêng chỉ số NASDAQ, thị trường vừa vượt qua mốc 20,125 điểm, cao gấp hơn 3.3 lần so với đỉnh bong bóng dotcom tháng 3 năm 2000 (~5,048 điểm). Cái này thì dễ thấy rồi, mở biểu đồ trện TradingView là thấy.
Cái cần phân tích sâu hơn ở đây là, khi sử dụng tỷ lệ NASDAQ / M2 Money Supply, chỉ số này cũng đã vượt qua đỉnh cao năm 2000. Điều này cho thấy thị trường hiện tại không chỉ tăng giá danh nghĩa, mà còn đang đạt mức định giá rất cao so với dòng tiền thực tế.
Nếu NASDAQ đang ở mức định giá vượt xa đỉnh bong bóng dotcom, vậy tình trạng của chỉ số S&P 500 ra sao? Hãy cùng xem xét chỉ số này trong bối cảnh tương tự.
4. Tình hình S&P 500 / M2 Money Supply
Nếu NASDAQ / M2 Money Supply đã vượt đỉnh, thì tình hình chỉ số S&P 500 cũng không kém phần đáng lo ngại. Chỉ số S&P 500 hiện nay cũng đang gần đạt mức đỉnh của bong bóng dotcom nếu xét theo tỷ lệ S&P 500 / M2 Money Supply. Hiện tại, S&P 500 chỉ cần tăng thêm 16.5% nữa là sẽ chạm đỉnh cao nhất năm 2000. Điều này tiếp tục củng cố cảnh báo rằng thị trường đang ở mức định giá rất căng thẳng.
Không chỉ riêng các chỉ số định giá, việc nhìn vào lịch sử các chu kỳ bong bóng cũng có thể giúp chúng ta dự đoán nguy cơ tiềm ẩn của thị trường hiện tại.
5. Lịch sử các chu kỳ bong bóng và sự lặp lại
Để hiểu rõ hơn nguy cơ của các mức định giá cao này, chúng ta cần nhìn lại lịch sử các chu kỳ bong bóng tài chính trước đây. Thị trường tài chính đã trải qua nhiều chu kỳ bong bóng, chẳng hạn như:
- Bong bóng dotcom (2000): Được thúc đẩy bởi sự kỳ vọng quá mức vào công nghệ internet.
- Khủng hoảng tài chính toàn cầu (2008): Bắt nguồn từ thị trường bất động sản và các công cụ tài chính phái sinh.
Điểm chung của các chu kỳ này là giá trị cổ phiếu bị đẩy lên quá cao so với nền tảng cơ bản, cuối cùng dẫn đến sụp đổ. Việc NASDAQ / M2 và S&P 500 / M2 hiện nay đạt mức cao ngang hoặc gần vượt bong bóng dotcom năm 2000 có thể là tín hiệu cảnh báo rằng lịch sử có khả năng lặp lại.
Không chỉ lịch sử cho thấy sự lặp lại các chu kỳ bong bóng, mà các yếu tố định giá hiện tại như P/E và P/B cũng đang củng cố thêm nguy cơ thị trường quá nóng.
6. Các yếu tố bổ trợ: P/E và P/B đang ở mức cao
Không dừng lại ở lịch sử, chúng ta cũng cần xem xét các yếu tố định giá hiện tại để đánh giá mức độ rủi ro. Một trong những lý do cần thận trọng là các chỉ số định giá của thị trường đang ở mức rất cao:
- P/E của S&P 500 hiện tại là 31, một con số đáng lo ngại.
- P/E của NASDAQ thậm chí còn cao hơn, đạt 49, gấp 3 lần so với mức được coi là hợp lý (khoảng 15 đến 20).
Ngoài ra, tỷ lệ P/B (Price-to-Book) của cả hai chỉ số này cũng đang tiệm cận các mức cao lịch sử:
- P/B của S&P 500 hiện tại là 5.33, rất cao so với mốc trung bình ở vùng mua được là từ 2 đến 3.
- P/B của NASDAQ hiện tại là 4.19, cũng rất cao so với mốc trung bình mua được (giai đoạn 2010–2014) là từ 0.8 đến 1.0.
Các con số này cho thấy không chỉ P/E mà cả P/B cũng đều đang báo hiệu thị trường bị định giá quá cao. Những con số này củng cố thêm khả năng rằng thị trường có thể đã tiến vào vùng bong bóng.
Không chỉ các yếu tố định giá cao, các tín hiệu kinh tế vĩ mô như tỷ lệ thất nghiệp và đường cong lợi suất cũng đang cho thấy những dấu hiệu bất ổn đáng lo ngại.
7. Tín hiệu kinh tế: Thất nghiệp và đường cong lợi suất
Các chỉ số định giá cao không phải là tín hiệu duy nhất. Hai yếu tố kinh tế vĩ mô quan trọng khác cũng đang gióng lên hồi chuông cảnh báo:
- Tỷ lệ thất nghiệp đang tăng trở lại, yếu tố này thường xuất hiện trước các đợt suy thoái kinh tế lớn. Trong biểu đồ, những vùng mà S&P 500 sụt giảm mạnh là vùng cột màu xám.
- Đường cong lợi suất nghịch đảo đang vòng lên. Đây là một tín hiệu kinh điển báo hiệu khả năng suy thoái, thường xuất hiện trước các đợt sụp đổ thị trường lớn.
Những tín hiệu này, kết hợp với các chỉ số định giá cao, càng làm tăng khả năng rằng thị trường đang đứng trước nguy cơ điều chỉnh lớn.
Trong bối cảnh này, hành động của các nhà đầu tư lớn như Warren Buffett cũng mang đến những tín hiệu đáng chú ý, đáng để cân nhắc.
8. Hành động của Warren Buffett: Bán ròng và giữ tiền mặt
Hành động của những nhà đầu tư huyền thoại cũng là một chỉ báo quan trọng. Warren Buffett, một trong những nhà đầu tư vĩ đại nhất mọi thời đại, đã bán cổ phiếu liên tiếp trong 7 quý vừa qua và hiện đang giữ lượng tiền mặt cao kỷ lục. Đây là dấu hiệu rõ ràng cho thấy sự thận trọng của ông đối với thị trường hiện tại. Buffett nổi tiếng với triết lý đầu tư dài hạn, và hành động này gợi ý rằng ông dự đoán thị trường có thể đối mặt với rủi ro lớn trong tương lai gần.
Ngoài ra, Buffett từng nói rằng: “Hãy sợ hãi khi người khác tham lam và tham lam khi người khác sợ hãi.” Việc ông bán ròng liên tục có thể là lời nhắc nhở rằng thị trường hiện đang ở trạng thái “tham lam”.
Trong khi một số nhà đầu tư kỳ vọng vào việc hạ lãi suất, lịch sử lại cho thấy đây không hẳn là tín hiệu tốt đẹp cho thị trường tài chính như kỳ vọng.
9. Hạ lãi suất không đồng nghĩa với thị trường tăng
Một số nhà đầu tư có thể hy vọng rằng việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất sẽ thúc đẩy thị trường chứng khoán tăng trưởng. Nguồn gốc của luận điểm này một phần đến từ sự thúc đẩy bởi giới truyền thông và báo chí. Tuy nhiên, lịch sử cho thấy cách nghĩ này không hoàn toàn đúng. Trong 200 năm qua, ở Mỹ, 13 trên 20 lần hạ lãi suất đã dẫn đến sự sụt giảm của thị trường chứng khoán, thay vì tăng trưởng. Sự sụt giảm này thường xảy ra vì việc hạ lãi suất là phản ứng trước các tín hiệu kinh tế tiêu cực, chẳng hạn như suy thoái hoặc khủng hoảng tài chính xảy ra sau đó.
Do đó, nhà đầu tư không nên quá lạc quan vào tác động của việc hạ lãi suất mà bỏ qua các yếu tố rủi ro hiện tại.
Nếu thị trường Mỹ điều chỉnh mạnh, các thị trường tài chính toàn cầu cũng không tránh khỏi ảnh hưởng.
10. Tác động toàn cầu nếu S&P 500 và NASDAQ sụp đổ
Nếu các phân tích trên đúng, hậu quả của việc S&P 500 và NASDAQ giảm mạnh sẽ lan tỏa ra toàn cầu. Những thiếu hút vốn ở các thị trường lớn như NASDAQ và S&P 500 sẽ gây áp lực trực tiếp lên các thị trường tài chính khác như Dow Jones, VN-Index, ASX 200, hay thậm chí là Bitcoin. Các chỉ số chứng khoán như S&P 500, NASDAQ hay VN-Index đều có sự liên quan và hệ số tương quan với nhau.
- VN-Index: Thị trường Việt Nam dựa nặng vào vốn nước ngoài, nên dễ bị rút vốn trong tình huống khủng hoảng.
- ASX 200: Chỉ số chứng khoán Úc có xu hướng di chuyển đồng bộ với các thị trường lớn như S&P 500 do đặc điểm liên kết kinh tế.
- Bitcoin: Nhìn chung, Bitcoin thường bị ảnh hưởng bởi các chu kỳ thanh khoản trong chứng khoán, dù nó được xem là một tài sản phi tương quan.
Các thị trường tài chính thế giới gây ảnh hưởng qua lại, nên khi đà sụp đổ ở Mỹ bắt đầu, sẽ khó có thị trường nào thoát khỏi hậu quả.
11. Chiến lược đối phó cho nhà đầu tư
Trong bối cảnh hiện tại, những nguy cơ đã được đầy lên mức cao. Vậy nhà đầu tư nên hành động như thế nào?
- Cần thận trọng trong 1-2 năm tới:
- Nên sử dụng các chiến lược phòng thủ trong 1-2 năm tới, hạ tỷ trọng đầu tư. Không vội bắt đáy khi thị trường mới chỉ điều chỉnh trong thời gian ngắn, như cách mọi nhà đầu tư hay làm trước đây mà đem lại lợi nhuận. Vì ở lần này, mọi thứ có thể sẽ khác, vì định giá thị trường chứng khoán Mỹ đang quá cao.
- Đa dạng hoá danh mục đầu tư:
- Xem xét đầu tư vào các tài sản phi tương quan như vàng, trái phiếu hoặc các loại quỹ ETF phòng ngừa.
- Thận trọng với các cổ phiếu định giá cao:
- Các cổ phiếu có P/E và P/B cao nên được giảm tỷ trọng hoặc bán bớt để giữ an toàn.
- Theo dõi thị trường và chờ đợi cơ hội:
- Hãy chỉ mua vào khi các chỉ số định giá quay trở về mức hợp lý (vd: P/E từng đợi 20-25, P/B quanh mức 2-3).
- Nắm giữ thanh khoản:
- Việc tăng tỷ trọng tiền mặt sẽ mang lại linh hoạt trong bối cảnh thị trường biến động mạnh.
- Cập nhật thông tin và cân nhắc chu kỳ kinh tế:
- Đối chiếu với chu kỳ kinh tế hiện tại để đánh giá liệu nguy cơ suy thoái có đến gần hay chưa.
Kết luận
Thị trường chứng khoán Mỹ đang ở một bối cảnh định giá vô cùng cao, có nhiều điềm tương đồng với bong bóng dotcom năm 2000, bao gồm cả tỷ lệ NASDAQ / U.S. M2 Money Supply. Kết hợp các tín hiệu kinh tế vĩ mô như tỷ lệ thất nghiệp và đưới cong lợi suất nghịch đảo, rủi ro thị trường sụp đổ đang ngày càng hiện hữu. Dù không thể dự đoán chính xác thời điểm, việc phòng ngừa rủi ro là cần thiết để bảo vệ tài sản.
Nhà đầu tư không nên bị cuốn vào sự “tham lam” khi thị trường đang ở đỉnh cao mà nên tận dụng thời gian này để chuẩn bị chiến lược dài hạn. Việc giữ vững tâm lý, đa dạng hóa danh mục đầu tư, và chú trọng vào các tài sản có giá trị thực sẽ giúp bạn đứng vững qua những giai đoạn khó khăn.
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu ngày càng liên kết chặt chẽ, các quyết định đầu tư sáng suốt hôm nay có thể trở thành nền tảng cho sự an toàn và tăng trưởng bền vững trong tương lai.
Digital Marketing Specialist