SOCIALFI – Xu hướng dẫn dắt thị trường Crypto mùa tiếp theo

“SocialFi – Tương lai của mạng xã hội và Niềm hy vọng về sự bảo mật thông tin.”

Mở đầu

Liệu chúng ta có an toàn trong thời đại phát triển của công nghệ thông tin?

Buổi sáng một ngày như bao ngày, Musk ngồi gặm bánh mì ở quán quen bên đường sau khi đưa con đi học. Tiếng chuông điện thoại reo lên khiến Musk phải tạm bỏ chiếc bánh mì xuống bàn để trả lời. Đó là cuộc gọi từ một số lạ, đầu dây bên kia là giọng nói dễ thương của một cô gái: Có phải anh Trịnh Văn Musk đang nghe máy đúng không ạ? Em Trinh, gọi đến cho anh từ Công ty chứng khoán Thế Giới, … bụp, tút tút, Musk tắt máy với ánh mắt khinh bỉ tiếp tục gặm bánh mì.

Một phút sau, tiếng chuông điện thoại tiếp tục reo. Musk bắt máy, người nam gằn giọng vào việc luôn: Xin chào, có phải anh Trịnh Văn Musk có số căn cước công dân 123456789 trú tại địa chỉ Số 101 Tây Hồ đúng không? Tôi gọi cho anh từ Cục phòng chống tội phạm công nghệ cao yêu cầu anh làm việc về một số vấn đề liên quan đến lừa đảo.

Mất vài giây để Musk trấn tĩnh và nhận ra vấn đề. Nhưng … câu hỏi văng vẳng trong đầu anh ta là, tại sao những kẻ lừa đảo lại có đầy đủ thông tin chi tiết về mình như vậy? Liệu có khi nào người ta tới tận nơi mình sinh sống để làm phiền không?

Câu chuyện này hẳn không xa lạ với bất kỳ ai trong chúng ta, nó trông có vẻ hài hước nhưng lại dấy lên một mối lo về sự an toàn thông tin cá nhân.

Năm 2018, vụ rò rỉ thông tin Face.\book Cam .\ bridge Ana .\ lytica trở thành một sự kiện lớn trong ngành công nghệ. Thông tin của khoảng 87 triệu người dùng đã bị đánh cắp để phục vụ cho các mục đích “quảng cáo chính trị”. Cam .\bridge Ana .\lytica sử dụng dữ liệu này tạo ra các các hồ sơ người dùng, sau đó điều hướng thông tin để tạo tác động lên hành động bầu cử.

“Trong thời đại công nghệ thông tin như hiện nay truyền thông số chính là một vũ khí lợi hại. Nhưng đáng buồn thay, những bên sử dụng vũ khí lại coi thông tin cá nhân của chúng ta là đạn để xả ra không thương tiếc.“

Xã hội liên tục phát triển, cộng đồng cũng nhận ra rằng chúng ta có quyền riêng tư, quyền được bảo mật và được thu lợi ích từ những thông tin chúng ta chia sẻ. Và blockchain là sự kết hợp đang trên con đường tiến tới hoàn hảo cho vấn đề này.

Những phần tiếp theo dưới đây, chúng ta sẽ đi tìm hiểu về một mô hình kinh tế mới SocialFi, nơi Social Media và Decentralized Finance hội tụ với nhau.

SocialFi là gì?

SocialFi là từ ghép của Social Media và Decentralized Finance, nó ám chỉ các hệ thống truyền thông xã hội được tích hợp nền tài chính phi tập trung. Sự tích hợp này sẽ giúp chúng kế thừa được toàn bộ các tính chất tốt đẹp của DeFi:

  • Phi tập trung – Decentralized
  • Bất biến – Immutable
  • Minh bạch – Transparent
  • Không cần cấp phép – Permissionless
  • Không cần đặt niềm tin – Trustless
  • Tự trông nom tài sản – Self-Custody

Những lợi ích mà SocialFi mang lại

BẢO MẬT VÀ QUYỀN RIÊNG TƯ

Nếu như đối với các mạng xã hội truyền thống, dữ liệu được lưu trữ ở trung tâm dữ liệu và kiểm soát hoàn toàn bởi đơn vị phát triển. Chưa kể đến, có hay không việc sử dụng nguồn dữ liệu này cho các mục đích không mong muốn thì chúng vẫn có rủi ro bị đánh cắp, nếu hệ thống bảo mật của đơn vị phát triển đó kém.

Khi xây dựng trên hệ thống blockchain, dữ liệu cá nhân của người dùng sẽ tận dụng được tính phi tập trung, khả năng bảo mật từ mạng lưới để giảm thiểu các rủi ro an toàn dữ liệu.

Tiếp đó, các dữ liệu này hoàn toàn thuộc quyền kiểm soát của người dùng, khi và chỉ khi người dùng cho phép các giao thức mới được sử dụng.

Có thể thấy, Blockchain hóa Social giúp nó tăng cường sự bảo mật thông tin và quyền riêng tư cho người dùng.

Tuy rằng không thể giải quyết được trọn vẹn vấn đề trong ví dụ mở đầu về Trịnh Văn Musk, nhưng SocialFi cũng giúp giảm thiểu rủi ro đánh cắp thông tin đến từ Social.

TỰ DO NGÔN LUẬN

Tự do ngôn luận là một trong những quyền cơ bản của con người. Quyền này đề cập đến khả năng của mỗi người bày tỏ ý kiến, truyền tải thông tin, và thể hiện quan điểm của mình mà không bị hạn chế hoặc cản trở bởi bất kỳ một bên thứ ba nào.

Tuy nhiên, hẳn các bạn cũng rõ những nội dung đăng tải lên các phương tiện truyền thông bị kiểm soát gắt gao đến cỡ nào. Với những nội dung không mong muốn, nhẹ là giảm tương tác, nặng là gỡ bỏ hoặc tệ hơn là khóa tài khoản.

Ở một số quốc gia hoạt động kiểm duyệt nội dung trên internet còn cực kỳ gắt gao. Ví dụ tại Trung Quốc họ có thứ gọi là “Vạn Lý Tường Lửa” dùng để kiểm soát toàn bộ nội dung được đăng tải lên internet trong nước, nó cũng đồng thời cho phép hoặc không cho phép người dân truy cập những website nào.

Các vấn đề nêu trên hoàn toàn có thể được giải quyết bằng SocialFi. Bằng sự phi tập trung, bất biến, minh bạch và không cần cấp phép bất cứ ai đều có quyền tự do nói lên tiếng nói của mình.

Cũng cần phải nói thêm, lý tưởng là vậy nhưng kiểm duyệt nội dung thực sự là vấn đề khó khăn không chỉ cho mạng xã hội truyền thống mà còn cả ở mạng xã hội phi tập trung. Vì bên cạnh những nội dung tích cực, còn đó các nội dung tiêu cực không mong muốn, chúng ta sẽ thảo luận nhiều hơn ở phần hạn chế của SocialFi.

BẢN QUYỀN NỘI DUNG

Ở cái thời đại CopyPasta (copy and paste) như hiện nay thì bản quyền nội dung là thứ gì đó khá xa xỉ. Người ta dễ dàng copy một nội dung nào đó rồi chuyển tên sở hữu thành của riêng.

Tiến tới không gian SocialFi, mỗi nhà sáng tạo sẽ đều có quyền sở hữu nội dung do họ tạo ra bằng việc lưu trữ độc nhất và vĩnh viễn trên mạng lưới blockchain thông qua công nghệ NFT. Các nội dung này không chỉ có văn bản, nó có thể là hình ảnh, âm thanh, video, …

Ví dụ bạn đăng tải một nội dung bằng văn bản lên deSocial, nếu người khác copy và đăng lên trang cá nhân của họ thì làm sao để chứng minh được bản quyền thuộc về ai?

Các giao thức phi tập trung hoàn toàn có thể chứng minh được điều này thông qua việc truy xuất thông tin NFT. Bài viết bạn đăng tải sẽ được token hóa thành NFT ngay sau đó, các thông tin bao gồm nội dung, ngày giờ, tác giả. Khi phát hiện nội dung tương tự, hệ thống sẽ kiểm tra được ai mới chính là tác giả đầu tiên. Nếu nội dung đã được chỉnh sửa và có phần trăm tương tự, giao thức có thể tự hiển thị thêm nội dung tương tự phía dưới bài đăng của người copy.

Với mạng xã hội phi tập trung, người dùng sẽ được làm chủ thông tin và nội dung của họ như một loại tài sản thay vì hàng hóa trong mạng xã hội truyền thống.

KHẢ NĂNG KẾT NỐI VÀ TƯƠNG THÍCH

Kết nối và tương thích cũng là một trong những điểm mạnh vượt trội của SocialFi.

Hãy lấy ví dụ sau đây: Bạn có tài khoản Facebook với 100.000 người theo dõi và hơn 10.000 bài đăng. Bạn thích Twitter và muốn chuyển sang sử dụng, có ba việc cần làm:

  • Thứ nhất, bạn cần tạo một bộ tài khoản riêng cho Twitter (email, sđt, username, password, ..)
  • Thứ hai, bạn cần đăng tải lại toàn bộ nội dung từ facebook qua (trong trường hợp muốn các thông tin ấy xuất hiện trên Twitter)
  • Thứ ba, bạn phải kêu gọi những người theo dõi từ Facebook hãy theo dõi tôi trên Twitter.

Mọi thứ trở nên rất phức tạp khi muốn chuyển đổi nền tảng. Với Decentralized Social, cả ba bước trên sẽ được hoàn thành chỉ trong vài click.

Đầu tiên, bạn cần biết rằng khi tham gia và SocialFi, toàn bộ thông tin của bạn sẽ được lưu trữ trong một social graph duy nhất do bạn sở hữu và quản lý, nó bao gồm thông tin cá nhân, các mối quan hệ xã hội, nội dung đã đăng tải. Lớp social graph này tách biệt với các dApp được xây dựng trên nó. Và như vậy khi chuyển từ dApp này sang dApp khác, bạn chỉ cần connect ví và ấn approve những thứ mong muốn … done!

Chưa dừng lại ở đó, social graph như một tài sản chứng minh “sức mạnh” của mỗi người. Nó cho biết uy tín xã hội, hiệu quả giao dịch, lịch sử vay mượn, … Các bên thứ ba có thể tận dụng thông tin này để xếp hạng tín dụng từng tài khoản cho mục đích riêng.

Ví dụ cấp hạn mức tín dụng không cần tài sản đảm bảo (tín chấp), hay xác định số tiền cung cấp khi tài khoản này đứng ra gây quỹ, kêu gọi vốn. Nhìn chung, SocialFi mở ra nhiều mô hình kinh tế mới khi nó đi vào hoạt động ổn định.

Social graph cũng giống các địa chỉ ví on-chain là minh bạch nhưng vẫn riêng tư, ẩn danh. Bạn biết các nội dung đăng tải, lịch sử tín dụng của một địa chỉ social graph không có nghĩa bạn biết nó thuộc về ai.

MINH BẠCH

Ở phần mở đầu các bạn đã được biết mạng xã hội có thể gây ảnh hưởng lên kết quả bầu cử tổng thống của một quốc gia. Bây giờ mình muốn đặt ra thêm một câu hỏi: Bạn có tin tưởng mạng xã hội có thể tác động đến sự phát triển của một quốc gia hay không?

Thời gian sử dụng mạng xã hội trung bình của người dân toàn cầu là 2.5 giờ mỗi ngày và đang có xu hướng tăng lên. Ở Việt Nam, theo khảo sát của Bộ Lao Động – Thương Binh và Xã Hội thời gian sử dụng mạng xã hội của giới trẻ là từ 5-7 giờ một ngày. Các ứng dụng ưa thích là Facebook, Tiktok và Instagram.

Có thể thấy thời gian trung bình mỗi bạn trẻ dành ra cho mạng xã hội là rất nhiều. Nhưng có điều rủi ro không đến từ việc dành nhiều thời gian cho mạng xã hội mà là dành nhiều thời gian cho nội dung gì trên mạng xã hội.

Các thuật toán điều hướng nội dung của Facebook, Tiktok hay các mạng xã hội nói chung đều là những bí ẩn chỉ mà chỉ có chính đội ngũ phát triển dự án mới biết. Các nền tảng có thừa đủ khả năng nắm bắt tâm lý từng người dùng và điều hướng những nội dung họ yêu thích, nó khiến người dùng nghiện và càng dành nhiều thời gian hơn trên nền tảng.

Những câu hỏi đặt ra: Các nội dung đề xuất tới người dùng có được kiểm tra tính hữu ích trước khi gửi không? Các nội dung chứa nhiều giá trị giáo dục được ưu tiên trên hay dưới các nội dung giải trí, nhảm nhí câu view? Trên bàn cân giữa doanh thu và đạo đức thì được bao nhiêu doanh nghiệp lựa chọn đạo đức?

Và câu hỏi tiếp theo nữa là liệu có hay không việc dự án bị tác động và yêu cầu điều hướng nội dung tiêu cực cho người dùng một quốc gia trong khi điều hướng nội dung tích cực cho quốc gia của mình?

“Giới trẻ chính là tương lai của đất nước, tác động tới nhận thức giới trẻ chính là tác động tới tương lai đất nước!”

Sự minh bạch mình muốn đề cập ở đây là sự minh bạch trong cách vận hành của các mạng xã hội. Blockchain hóa toàn diện mạng xã hội cũng có nghĩa là công bố mã nguồn của chúng, từ đó người dùng có thể nắm được có những thuật toán mờ ám nào hay không.

Fact: Các bạn có biết ngọn cờ đầu trong sự minh bạch mã nguồn mạng xã hội là ai không? Chính là Elon Musk, X (Twitter) đã “open source” một phần mã nguồn của mình vào đầu tháng 4 năm nay.

Các sự minh bạch khác có thể kể đến là minh bạch trong việc sử dụng thông tin người dùng, minh bạch chia sẻ doanh thu.

KIẾM TIỀN

Từ đầu đến giờ mình đã đề cập nhiều tới những lợi ích của chữ “De” trong Social+DeFi rồi, vậy chữ “Fi” thì sao, đây có lẽ là vấn đề mà nhiều bạn hứng thú nhất.

Ngoài các lợi ích kể trên SocialFi còn giúp người dùng kiếm được tiền từ chính những nội dung hữu ích họ tạo ra hoặc từ chính những thông tin cá nhân của họ.

Không giống web2, ở không gian web3 người dùng mới chính là chủ sở hữu thông tin cá nhân và các nội dung họ tạo ra. Vậy nên, bạn muốn sử dụng dữ liệu của tôi cho mục đích tiếp thị, xin mời bạn trả tiền.

Nguồn doanh thu thứ hai của người dùng đến từ hoạt động bán nội dung bản quyền. Nó có thể dưới hình thức Token-Gating (cần sở hữu token mới có khả năng truy cập) hoặc bán riêng lẻ từng nội dung. Friend.Tech là một dự án điển hình ở loại hình Token-Gating đang làm chao đảo thị trường những tháng vừa qua.

Nguồn doanh thu thứ ba là từ hoạt động donate chủ động của người hâm mộ thông qua sự dễ dàng của DeFi.

Hoặc tương lai hơn là nguồn thu đến từ việc “chống spam” của các nền tảng mạng xã hội phi tập trung. Ý tưởng này được đưa ra bởi CZ – CEO Binance, Anh đề xuất với Elon Musk cách chống spam bằng việc yêu cầu người dùng trả phí cho mỗi lần Comment. Nhiều khả năng nguồn doanh thu này cũng được chia sẻ lại cho chủ sở hữu bài đăng.

Ngoài ra sẽ còn nhiều mô hình khai thác doanh thu với SocialFi vẫn đang chờ các công dân web3 tương lai khám phá.

Những thách thức của SocialFi

KHẢ NĂNG MỞ RỘNG

Chắc chắn rồi, khả năng mở rộng phải là điều đầu tiên được nhắc đến trong danh sách những vấn đề cần giải quyết của SocialFi. Để vận hành mạng lưới hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỉ người dùng thì tốc độ và khả năng lưu trữ dữ liệu là vấn đề rất lớn.

Sự phát triển của các dự án Layer 1 tốc độ cao thế hệ mới như Sui, Aptos hay các giải pháp mở rộng Layer 2 trên Ethereum hứa hẹn sẽ đưa SocialFi đến với thực tiễn nhanh chóng hơn.

Chưa kể EIP-4844 (Proto-Danksharding) trong gói cập nhật Cancun dự kiến được phát hành cuối năm nay sẽ cho phép tốc độ giao dịch trên Layer 2 của Ethereum lên tới 100.000 TPS. Đó là chất xúc tác cực lớn cho SocialFi ở những giai đoạn kế tiếp.

VẤN ĐỀ KIỂM DUYỆT NỘI DUNG

Sự thách thức thứ hai dành cho SocialFi mình muốn đề cập ở đây là kiểm duyệt nội dung. Vấn đề này không chỉ phức tạp ở web2 mà nó càng trở nên phức tạp khi tiến lên web3.

SocialFi cho phép chúng ta tự do ngôn luận, đăng tải bất cứ điều gì chúng ta muốn. Nghe có vẻ tuyệt vời, nhưng … ngoài những nội dung tích cực còn những nội dung tiêu cực, bệnh hoạn mà không một ai muốn xuất hiện thì sao?

Vì vậy, quay đi quay lại thì các bạn vẫn sẽ thấy sự kiểm duyệt nội dung là điều cần thiết. Và có vẻ trách nhiệm này đang được chuyển từ chủ dự án ở web2 sang tay của DAO ở web3. Nội dung chúng ta đăng tải sẽ được kiểm duyệt bởi tổ chức tự trị phi tập trung của dự án (DAO).

Từ đây thì mình nghĩ có thể phát sinh một mô hình kinh tế mới trong hệ sinh thái deSocial. Thay vì để trách nhiệm kiểm duyệt nội dung vốn hết sức phức tạp cho DAO của dự án, một bên thứ 3 có thể xuất hiện để thực hiện các hoạt động kiểm duyệt này, tạm gọi là Censorship Aggregators hoặc Censorship-as-a-Services. Các dự án SocialFi sẽ trả một khoản phí để các đơn vị này kiểm duyệt, phân loại gắn tag nội dung được đăng tải bởi người dùng, sau đó trả kết quả để Validator dự án quyết định mức độ phân phối.

BẢO MẬT

Đây là vấn đề cố hữu của DeFi hiện nay, mặc dù các tính chất tốt đẹp trong điều kiện lý tưởng là thế, nhưng hiện tại tình trạng hack vẫn diễn ra đều đặn cũng là điều đáng lo lắng về tính bảo mật cho các thông tin và tài sản khác của người dùng.

TẠO RA HIỆU ỨNG MẠNG LƯỚI

Trong không gian web2, một trong những yếu tố giúp các mạng xã hội phát triển mạnh mẽ là nhờ hiệu ứng mạng lưới. Họ kéo nhau sử dụng một nền tảng nào đấy là do người thân, bạn bè sử dụng. Với SocialFi hiện tại, còn quá nhiều rào cản để những người dùng đầu tiên gia nhập. Người sử dụng cần tạo ví, nạp tiền mua token, mua tên miền, bridge token sang mạng lưới của dự án, … Nếu muốn kéo một lượng lớn người dùng thì trước hết SocialFi phải giải quyết được bài toán trải nghiệm, mọi thứ cần mượt mà và đơn giản nhất nhưng vẫn giữ được tính bảo mật.

Account Abstraction là một hướng đi tốt cho vấn đề này.

MÔ HÌNH KINH TẾ BỀN VỮNG

DeFi có thể mang lại cho Social khả năng bứt tốc và tăng trưởng nhanh chóng trong thời gian ngắn, ở chiều ngược lại nó cũng có thể đưa dự án trở về vạch xuất phát nếu không có mô hình kinh tế bền vững.

Chúng ta đã được chứng kiến điều này ở quá nhiều dự án GameFi mùa vừa qua. Bài toán đặt ra cho SocialFi là một mô hình kinh tế bền vững để vừa tăng trưởng mạnh lại vừa bền vững trong dài hạn.

Một case study điển hình trong thời gian gần qua là FriendTech. Bằng việc tận dụng sự fomo đang có của hệ sinh thái mới Base kết hợp thêm:

  • Nhu cầu tham gia “nhóm kín” của những người ảnh hưởng
  • Sự uy tín từ quỹ đầu tư Paradigm
  • Lời hứa hẹn Airdrop
  • Và mô hình kinh tế có hơi hướng ponzi

FriendTech đã đạt được những thành công ngoài mong đợi trong mảng SocialFi. TVL đỉnh của dự án đạt $52 triệu đô, mang về nguồn doanh thu trị giá $20 triệu cho dự án.

Tuy nhiên tăng trưởng nóng là vậy, nhưng các câu hỏi đặt ra cho mô hình kinh tế của FriendTech là có bền vững hay không, khi số tiền người vào sau phải bỏ ra để sở hữu một key tăng theo cấp số nhân so với người vào trước.

Theo quan điểm cá nhân, thị trường sẽ luôn có những người trader, airdroper và cũng luôn có những người mong muốn sử dụng tính năng thật sự của sản phẩm. Khi đến giai đoạn thoái trào, trader sẽ rời đi, airdroper cũng không còn, lúc đó chỉ còn lại những người thật sự muốn sử dụng friend tech theo cái cách đúng với mô tả của dự án – nơi kết nối giữa người ảnh hưởng và cộng đồng trong một không gian giao tiếp riêng. Đến lúc đó chúng ta sẽ biết liệu mô hình này có bền vững hay không!

Tiềm năng của SocialFi

Bên trên đây mình đã trình bày những ưu điểm và hạn chế cần khắc phục của SocialFi. Chúng ta có sự hy vọng về một mạng lưới giao tiếp xã hội bảo mật, minh bạch nơi mỗi người có đủ quyền tự do ngôn luận.

Sự phát triển của các giải pháp mở rộng và các blockchain thế hệ mới cũng là chất xúc tác quan trọng cho sự bùng nổ của SocialFi trong tương lai. Có thể thấy rằng, SocialFi không chỉ giải quyết được bài toán bảo mật đang dấy lên nhiều năm gần đây mà còn ăn khớp với đà phát triển của công nghệ thị trường.

Nếu soi vào nhà tạo lập hàng đầu thị trường là Binance thì 2/3 dự án Launchpad trong năm nay đều thuộc mảng SocialFi. Nếu tính cả Hooked Protocol diễn ra tháng 12 năm ngoái nữa là 3/4 dự án. Một sự ưu ái không hề nhỏ của Binance dành cho mảng này.

Dành cho những bạn chưa biết Launchpad là hình thức phát hành token danh giá nhất trên Binance mà các dự án mong muốn có được.

Một điều lưu ý, mỗi mùa một thủ lĩnh. Binance mạnh mẽ ở mùa trước không có nghĩa là sẽ tiếp tục dẫn dắt thị trường mùa tiếp theo. Nhưng hiện tại Binance vẫn đang là King nên chúng ta phải theo sát.

Nội thị trường crypto chúng ta đã thấy sự ủng hộ của công nghệ và của những nhà tạo lập. Vậy ở bên ngoài truyền thống thì sao?

Không thể không nhắc đến Elon Musk ông chủ của 𝕏, ngọn cờ đầu cho các phong trào crypto. Kể từ khi mua lại Twitter và đổi tên thành X ông đang cố gắng phát triển nó thành một mạng xã hội web3. Đầu tiên là cho phép đặt NFT làm avatar, tiếp theo là công bố mã nguồn và gần đây là mô hình chia sẻ doanh thu. Những điều ông làm đang gần sát với tôn chỉ của DeFi.

Ở bên kia chiến tuyến của X là Facebook cũng gấp rút có cho mình những bước đi. Mặc dù thất bại trong các dự án Diem, Novi và cả Metaverse nhưng Mark Zuckerberg vẫn tiếp tục muốn tiến sâu vào DeFi thông qua dự án Threads mới đây. Để ý vào thông tin mô tả cách hoạt động bạn sẽ thấy định hướng của Threads là trở thành một mạng xã hội phi tập trung.

Một người khổng lồ trong lĩnh vực social mình muốn đề cập nữa là Reddit. Không phải những bước đi an toàn giống X và Meta, Reddit mạnh mẽ và hoang dã hơn nhiều. Họ đã đặt những bước chân thực sự lên vùng đất phi tập trung bằng việc liên tiếp phát hành các bộ sưu tập NFT, ngoài ra Reddit cũng liên tục giáo dục người dùng về web3.

Với những sự ủng hộ lớn từ cả trong và ngoài thị trường cryptocurrency như vậy, mình tin tưởng rằng SocialFi sẽ có những bước phát triển mạnh mẽ trong tương lai gần.

Nếu SocialFi thành công nó có thể kéo hàng trăm triệu người mới vào DeFi, độ dãn nở của thị trường cryptocurrency sẽ lớn tới mức mà chúng ta không thể tưởng tượng được. Chúng ta có quyền tin tưởng vào một mùa SocialFi bùng nổ không hề thua kém GameFi ngày nào.

Phân loại và các dự án nổi bật

Hệ sinh thái SocialFi đang phát triển mạnh với nhiều nhánh nhỏ bên trong trong, nhưng xét về tổng quan, chúng ta có thể chia ra thành 3 lớp chính:

  • Data & Blockchain Layer
  • Social Infrastructure Layer
  • Application Layer

DATA & BLOCKCHAIN LAYER

Là lớp lưu trữ dữ liệu, các dự án có thể lựa chọn lưu trữ dữ liệu trực tiếp trên Blockchain hoặc các dịch vụ lưu trữ dữ liệu phi tập trung hoặc cả hai. Nhưng phổ biến hơn cả là lưu trữ ở cả hai nơi, các thông tin liên quan đến số dư và trạng thái giao thức sẽ được lưu trữ tại blockchain để đảm bảo tính phi tập trung và bảo mật. Các thông tin khác như nội dung đăng tải bởi người dùng sẽ lưu trữ ở dịch vụ lưu trữ phi tập trung để giảm chi phí.

Các giải pháp Layer 2 trên Ethereum sẽ có nhiều lợi thế hơn trong cuộc chiến này nhờ tốc độ và khả năng mở rộng. Base, Optimism, Arbitrum hay zkSync là những cái tên nên được quan tâm.

IPFS, Arweave và Filecoin đều là những dự án lâu đời trong mảng lưu trữ dữ liệu phi tập trung. Tân binh mới là Greenfield do nhà Binance phát triển được ra mắt từ tháng 2 năm nay để phục vụ Web3.

SOCIAL INFRASTRUCTURE LAYER

Đây có thể coi là lớp lõi của hệ sinh thái SocialFi, nó bao gồm toàn bộ thành phần cơ sở hạ tầng phục vụ cho các dApp của SocialFi.

Quan trọng nhất phải kể đến mảng Social Graph là các giao thức xây dựng, quản lý biểu đồ xã hội của từng người dùng.

Lens Protocol hiện đang là cái tên nhận được nhiều sự chú ý nhất. Ngoài ra chúng ta có Cyber Connect, Hooked, DeSo đều là những dự án hoạt động tích cực trong mảng này.

Mảng nhỏ thứ hai trong lớp này là các giao thức định danh người dùng – Identify. Một số dự án nổi bật có thể kể đến: ENS, SpaceID, Unstoppable Domain. Các dự án POAP (Proof Of Attendance Protocol) cũng là một nhóm giúp tăng khả năng định danh và đánh giá người dùng bằng những bằng chứng tham gia.

Ngoài ra chúng ta còn các công cụ giúp chuyển đổi web2 sang web3, điển hình là dự án Mask Network gây được nhiều tiếng tăm bởi sự phát triển thần tốc hồi cuối năm ngoái.

APPLICATION LAYER

Đây là lớp thú vị nhất của SocialFi, không chỉ vỉ tính đa dạng mà còn là động lực hấp dẫn người dùng tham gia vào hệ sinh thái.

Sự phân hóa của lớp này khá đa dạng, dưới đây mình đang chia ra theo mục đích sử dụng của giao thức. Các bạn cũng có thể phân loại theo tiêu chí khác nếu muốn.

  • Social Network: Các mạng xã hội dạng bảng tin do người dùng tạo ra, tương tự Facebook, Twitter. Dự án nổi bật: Lenster, Farcaster, Phaver, FriendTech.
  • Messaging: Các dApps giúp người dùng nhắn tin với nhau. Dự án nổi bật: iMe.
  • Publishing: Thông qua các ứng dụng này người dùng có thể tạo trang blog cá nhân và đăng tài nội dung hoặc khóa học. Dự án nổi bật: Mirror, Open Campus.
  • Video: Mạng xã hội video, tương tự Youtube hoặc Tiktok. Dự án nổi bật: CosTV, Lenstube
  • Music: Các dự án giúp người dùng đăng tải và chia sẻ âm nhạc. Dự án nổi bật: Audius, Soundxyz
  • Talent Network: Mạng xã hội việc làm, kết nối nhân tài và nhà tuyển dụng. Dự án nổi bật: Braintrust, Human Protocol
  • Gaming: Nếu bạn còn nhớ ZingMe thì đây là hình thức tương tự nhưng trên web3. Dự án nổi bật: Hooked, Valhalla.
  • Social Token: Thông qua những nền tảng này người dùng có thể phát hành token cá nhân cho riêng họ. Dự án nổi bật: Rally, BitClout, TryRoll.

Danh mục phụ:

Web2.5 – Social: Các mạng xã hội đang chuyển mình từ web2 lên web3, tạm gọi là web2.5: 𝕏 (Twitter), Threads (Meta), Reddit, Binance Feed.

Kết luận

Twitter ra đời năm 2006, mất 5 năm để đạt 100 triệu người dùng, đến nay được 17 năm. Facebook thành lập năm 2004, mất 8 năm để đạt 1 tỷ người dùng và phát triển đến nay là 19 năm.

SocialFi là một khái niệm mới chỉ được nhắc tới nhiều trong 2 năm trở lại đây và thậm chí chưa có dự án nào đi vào hoạt động chính thức. Vậy theo các bạn chúng ta đang ở màn đêm hay bình minh của SocialFi. Và SocialFi sẽ mất bao lâu để có 100 triệu người dùng đầu tiên!

Hy vọng qua bài viết này các bạn đã nắm được hết những ưu nhược điểm, tiềm năng và cả những khó khăn mà SocialFi phải giải quyết. Và chúng ta sẽ cùng nhau theo dõi sự phát triển để trả lời cho những câu hỏi bên trên!

Hoàng Lê

Click Digital

Rate this post

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *