Định hướng nghề nghiệp cho ngành Web3 (Career Path)

Web3, Career Path, những câu chuyện trong nghề và làm thế nào để thăng tiến trong sự nghiệp.

Chặng đường đi từ lập trình viên, nghiên cứu sinh, chuyên gia đến quản lý của mình là con đường hơn chục năm và cũng nhiều lần rơi vào cảnh bế tắc không biết đầu ra. Mặc dù khó khăn gặp phải chỉ là cái móng chân so với thế hệ vàng 20 – 30 năm trước của các cụ, mình cũng có ít nhiều kinh nghiệm trong việc định hướng bản thân. Nhân dịp đầu xuân xin chia sẻ một chút những điều mình chiêm nghiệm được và thường chia sẻ nội bộ với team. Hy vọng sẽ giúp được ít nhiều những bạn trẻ mới vào nghề, hay là những người muốn thoát khỏi comfort zone để bước lên nấc thang cao hơn của sự nghiệp. Bài viết này chỉ focus vào thị trường làm phần mềm tại Việt nam hiện tại thôi nhé, vì các ngành công nghiệp khác thì có những insight khác mình không chuyên.

Định hướng nghề nghiệp (Career Path)

Làm phần mềm, bất kể outsource hay làm product thì cũng như đi xây nhà vậy, cũng có rất nhiều vai trò, từ thiết kế, phân tích, dev, test, marketing, quản lý, etc. Tất cả đều đóng góp một phần đến việc tạo ra sản phẩm. Không có công việc nào không quan trọng, chỉ khác nhau ở mức độ ảnh hưởng và trách nhiệm của người làm. Mức độ thu nhập sẽ phụ thuộc vào 2 yếu tố đó và cung cầu của thị trường, role cao hơn, khó kiếm người hơn thì tiền nhiều hơn. Bạn chọn nghề nào cũng đc, miễn là bứt lên khỏi được mức độ trung bình thì sẽ đến được với mục tiêu. Sau đây mình sẽ vẽ ra các phương pháp để định hướng để làm việc đó nhé.

Xác định kỹ năng cần rèn luyện

Chúng ta có thể chia kỹ năng của một người thành 3 loại chính: Kỹ năng chuyên môn (Profession), Kỹ năng ngành (Domain knowledge) và kỹ năng mềm (Soft skill). Chuyên môn thì chính là những role kể trên khi tham gia trực tiếp vào làm sản phẩm, ví dụ dev, test, BA, thiết kế, sale, marketing, quản lý dự án. Kỹ năng ngành thì bạn làm trong ngành nào thì sẽ biết nghiệp vụ của ngành đó, biết những sản phẩm, người của ngành đó, ví dụ blockchain, AI, Healthcare, etc. Và kỹ năng mềm thì ai cũng biết rồi, khả năng lãnh đạo, giao tiếp, ứng xử, xinh gái, đẹp trai, etc. Trừ những trường hợp như con ông cháu cha hay gặp may trời thương ra thì khả năng thăng tiến trong công việc tỉ lệ thuận với những kỹ năng này.

Trong 3 cái này, kỹ năng chuyên môn là thứ mất thời gian nhất để tôi luyện, nhưng cũng là thứ chắc chắn nhất để bạn đi lên. Mỗi nấc thang sẽ giúp bạn kéo dài khoảng cách với những người đi sau và rất khó để đuổi kịp nếu bạn không bị chững lại. Kỹ năng ngành thì ngược lại, rất dễ học khi bạn ở trong môi trường ngành đó, nhưng để đạt đến level cao hơn bạn cần phải nắm được “bí quyết”, những thứ không dễ gì người khác chia sẻ cho, cũng có thể là không bao giờ tìm được. Tìm người mentor tốt, tìm môi trường có chiều sâu để học hỏi sẽ giúp bạn có được kiến thức đó. Cái cuối cùng, kỹ năng mềm, thì chắc khỏi phải nói vì quá nhiều sách vở, khóa học nói về nó rồi.

Mỗi người có xuất phát điểm khác nhau, có người giỏi suy luận logic, có người đẻ ra đã xinh đẹp hay là sinh ra ở vạch đích, hãy dựa vào những yếu tố đó để nhanh nhất để phát triển kỹ năng đó và dựa vào nó làm bàn đạp để phát triển những kỹ năng còn lại, nếu cảm thấy mình yếu về chuyên môn thì hãy cày sâu vào các yếu tố còn lại và dần dần bù đắp các chỗ còn thiếu. Chọn được người mentor tốt sẽ giúp các bạn rút ngắn thời gian đi rất nhiều để bước lên nấc tiếp theo của sự nghiệp. Nhưng tất nhiên có người hướng dẫn rồi thì bản thân vẫn phải có sự nỗ lực vươn lên. Tiếp sau đây sẽ là cách để bạn nỗ lực như vậy.

Tập làm việc một cách khoa học

Công việc gì cũng vậy thôi, vẫn là bạn phải giải quyết những “vấn đề”, có thể là bài toán khó, có thể là bug nghiêm trọng, có thể là khách hàng khó tính, vẫn là cách tiếp cận và giải quyết vấn đề sẽ đánh giá được năng lực của bản thân. Có 2 cách chính: một là tiếp cận theo cảm tính tự nhiên (Heuristic) và hai là tiếp cận 1 cách khoa học (Scientific approach).

Làm việc theo cảm tính thì sẽ dự theo các logic suy luận thông thường (common sense), cái này nên đặt ở đây, cái kia nên đi như thế này, hoặc là dựa vào kinh nghiệm (experience) khi bạn đã trải qua rồi và biết cái gì nên làm cái gì không nên, cũng có thể chỉ đơn giản là “cảm thấy thế”. Tất cả đều ok, nhưng làm cách này không khiến cho bạn tốt hơn, chỉ có thể giải quyết vấn đề ngắn hạn mà rất khó có thể phát triển được tiếp.

Ngược lại, làm việc khoa học (Scientific method), khiến cho bạn quan sát vấn đề, đặt ra câu hỏi, giả thuyết, kiểm chứng, phân tích kết quả và đưa ra kết luận sẽ giúp bạn trưởng thành hơn và hình thành tư duy phản biện rất tốt. Nói ngắn gọn là như thế nhưng cũng phải có người chỉ cho và rèn dũa thì mới làm tốt như vậy được. Nhưng cũng phải linh hoạt, không phải chuyện gấp cần làm ngay như chữa cháy mà bạn ngâm lên xuống đánh giá từng bước thì chắc việc cháy nhà chết người dẫn đến mất việc là lỗi của bạn.

Ở công việc của mình, mình rất hay nhận được những câu hỏi như “Anh ơi cái này để số bao nhiêu” hay “Em làm thế này hay thế kia”, tất cả những câu đó, nếu không phải là trường hợp cấp bách thì nếu biết tính mình thì sẽ đều … không hỏi, vì sẽ nhận được câu trả lời là “Stupid question”. Cách hỏi tốt hơn là tự nghiên cứu một cách khoa học, mục đích là gì, KPI ra sao, chay thử số liệu mô phỏng ra kết quả rồi cả mình và bạn đó cùng đánh giá đưa ra câu trả lời. Vì thực tế là không qua những bước đó mình cũng ko trả lời được, không có cơ sở khoa học để đánh giá.

Rèn luyện tư duy phản biện (Critical Thinking)

Tư duy phản biện là thứ bạn rất cần để có thể làm việc một cách khoa học, và cũng để cải thiện bản thân làm mọi thứ tốt hơn. Nó là việc nhìn một sự việc dưới nhiều góc độ khác nhau, từ người làm sản phẩm, đến người trải nghiệm, đến những người muốn phá hoại nó để tìm mọi ngóc ngách của vấn đề. Câu hỏi vì sao phải luôn được đặt ra, và không được phép chạy theo “cảm nghĩ”. Nhiều khi là hăng máu quá cãi nhau như mổ bò, nhưng những người thành thạo tư duy biện chứng sẽ nhanh chóng nhận ra sự mâu thuẫn và tìm cách giải quyết nó, không phải suy nghĩ theo hướng công kích cá nhân, sai lè lè vẫn gân cổ lên cãi.

Văn hóa ứng xử trong doanh nghiệp luôn luôn là hòa đồng, nhưng không phải vì thế mà nhượng bộ và thỏa hiệp, những thứ càng quan trọng càng cần phải tranh luận nhiều, đúng thì nhận, sai thì sửa và luôn luôn đặt câu hỏi nếu không thế này thì sẽ thế nào. Bạn thấy chỗ nào mà hòa bình quá không ai tranh luận, phản biện mà chỉ đâu đánh đấy (hoặc chỉ có lý sự cùn, công kích cá nhân) thì chỗ đó không tốt đâu.

Đam mê và ám ảnh với sản phẩm

Một trong những thứ quan trọng nhất làm cho sự thành công của sản phẩm chính là tâm huyết của những người bỏ vào nó. Để có được cái đó thì cần bỏ công vào, đam mê sản phẩm và thậm chí nhiều khi đến mức ám ảnh. Chính tư duy cầu toàn đến mức ám ảnh sẽ là động lực để bạn liên tục trau dồi kiến thức và cải thiện bản thân, cải thiện sản phẩm. Nó cũng chính là cách làm việc khoa học và tư duy biện chứng ở trên, liên tục đặt ra câu hỏi, liên tục theo dõi, so sánh các sản phẩm trên thị trường và tìm ra điểm mình có thể làm tốt hơn.

Web3 có một câu rất hay đó là phải có “Skin in the game”, về cơ bản cách để bạn có đam mê và ám ảnh chính là … tiền. Người chỉ biết code, biết test, biết vẽ sẽ không có được cái đam mê của người từng đầu tư coin, từng đu đỉnh hay là từng có cảm giác x10 trong vòng nửa giờ. Mình nghiên cứu về blockchain từ 2015 và cực kỳ ghét crypto do có quá nhiều scam và các hoạt động phi pháp. Nhưng sau này khi tham gia vào phát triển sản phẩm của riêng mình thì mới nhận ra những thứ đằng sau nó đang thay đổi thị trường tài chính trên cả thế giới, mình hiểu rằng phải có skin in the game mới có thể làm được. Mất 70% portfolio từ đu đỉnh ATOM năm 2021 đến giờ mình cũng có thể tự tin là đã về bờ được nhờ … chơi với những người khôn ngoan hơn và có skin in the game hơn. Những thứ mình làm ra, những thứ mình nói ra, cũng được nể trọng hơn. Tìm ra được những bí quyết của domain knowledge này, bạn phải ở trong nó đủ lâu và học đủ bài học thì mới biết được. Tất nhiên vẫn còn nhiều thứ phải học nữa, không thể chủ quan được.

Grind (cày) hay là Touch Grass (buông thả)

Quá nhiều bạn đang không quan tâm đến chặng đường dài phía trước. Mình thấy những người già (như mình) thì chỉ thu mình trong những công nghệ, những môi trường mình đã quen như làm việc tại doanh nghiệp lớn (FPT, Viettel, CMC), nơi không bao giờ thất nghiệp để đảm bảo cuộc sống cho gia đình. Cái đó thì tất nhiên là chịu, vì có quá nhiều thứ để đánh đổi.

Nhưng có những thứ mình thấy lạ hơn là một bộ phận các bạn còn rất trẻ, nhưng lại quan tâm quá nhiều đến những thứ phù phiếm như game, du lịch, ăn uống, cân bằng cuộc sống. Sáng đến văn phòng muộn, đêm chơi game khuya không có giờ giấc, hết giờ làm việc là nhấc đít đi về hay ngày nghỉ thì … offline biến mất, công việc thì hời hợt chỉ loanh quanh chỉ đâu đánh đấy. Không biết có phải do trend như vậy không, nhưng thực sự thì nếu bạn không cày cuốc thì sẽ rất khó để có thành công. Công việc ở phương Tây thì khác, luật pháp rất rõ ràng, sự tập trung của người Tây cũng hơn người Á rất rất nhiều, cũng không có sự cạnh tranh kinh khủng như môi trường châu Á nên những việc cân bằng cuộc sống mình có thể hiểu được. Nhưng ở một môi trường như Web3 toàn là startup, hay là môi trường Việt Nam có hàng trăm ngàn người cùng nghề cùng khao khát vươn lên thì việc bạn buông thả chỉ có tác dụng ngược. Hãy đọc hết những thứ có thể, hãy nói chuyện với tất cả những người cùng ngành, hãy trở thành một người khó chịu, luôn đặt ra những câu hỏi hóc búa và tranh luận tới cùng, hãy bỏ những “việc nhà” trừ khi bắt buộc và tập trung vào … cày để đưa mình lên vị thế tốt hơn.

Tất nhiên không ai bảo phải cày 24/7, vẫn cần có những thú vui cuộc sống để relax và giữ được cái đầu lạnh trong công việc. Nhưng những lúc cần thiết, hay làm việc trâu bò hơn tất cả những người khác. Bạn có thể tham khảo câu này của mr Jason Choi, một nhà đầu tư châu Á nổi tiếng mà mình rất hâm mộ:

“Bạn hãy tập trung build sản phẩm như là đang có một đội quân toàn sinh viên MIT chưa từng biết mùi đời đang được chỉ đạo bởi một tay founder truyền thống đã từng bán thành công nhiều công ty ở thung lũng sillicon. Chúng nó còn được hậu thuẫn bởi một lực lượng dev đông đảo ở Trung Quốc để build sản phẩm giống hệt bạn, đội này có nhiều tiền gấp 3 bạn và sẵn sàng làm việc phong cách 996, được ủng hộ bởi những người bạn ghét nhất … Mà sự thực là, chúng nó đúng là đang build sắp xong rồi đấy”.

Cơ hội và bước nhảy công nghệ (Leap frog)

Những cái mình viết ở trên thật ra chúng ta có thể áp dụng nó ở tất cả các ngành nghề và nếu có môi trường phù hợp, trong quãng thời gian đủ dài thì sẽ lên được level thôi. Tuy nhiên vẫn có những cách để … đi tắt khiến cho quãng thời gian đó được rút ngắn và giúp bạn thu hẹp khoảng cách với những người đi trước rất nhanh. Đó là lựa chọn thời điểm.

Thiên thời, địa lợi, nhân hòa, mặc dù có cố gắng như thế nào mà không gặp thời thì cũng rất khó để bứt lên được. Ngành công nghệ luôn có một sức hút kinh khủng do nó liên tục biến đổi theo chu kỳ, mà chu kỳ này ngắn hơn rất nhiều so với các ngành truyền thống phải mất cả thập kỷ, thế kỷ mới có những bước tiến đột phá. Cùng lứa với mình đã có rất nhiều người thành công vào một số thời điểm đột phá của công nghệ, đó là trao lưu chạy quảng cáo 13 năm trước, mobile app 10 năm trước, làm fintech 5 năm trước, và thời đại công nghệ cao Blockchain, AI những năm gần đây. Những kỳ lân Việt Nam như Axie, Kyber, Coin98 không phải tự nhiên mà sinh ra, đó là cả một sự cố gắng cày cuốc và nhảy vọt từ con số không đến tỷ đô trong quãng thời gian rất ngắn.

Web3 chính là một cơ hội rất hấp dẫn, nó tạo ra một môi trường cạnh tranh khủng khiếp với nguồn tiền khổng lồ toàn cầu, làm việc ở môi trường như vậy cho bạn phát triển kỹ năng ngành và kỹ năng mềm rất nhanh, điều duy nhất bạn cần trau dồi thêm là kỹ năng chuyên môn mà thôi. Với khả năng làm việc khoa học, tư duy phản biến, bạn hoàn toàn có thể cày ngày đêm để nhảy nhiều bậc một lúc khỏi bậc thang của sự nghiệp. Sư phụ của mình mất mấy chục năm để lên C level được nể trọng, mình mất hơn mười năm đi từ con số 0, hy vọng những thế hệ kế tiếp ở Việt Nam sẽ rút ngắn hơn như thế nhiều.

Lời kết

Bài viết không có chủ đề cụ thể, chỉ là những điều chiêm nghiệm được trong công việc mình. Hi vọng nhận được sự ủng hộ của bạn đọc.

Lưu ý: Bài viết chỉ cung cấp góc nhìn và không phải là lời khuyên đầu tư.

Giới thiệu token Saigon (SGN):

  • Đầu tư vào các công ty quảng cáo blockchain hàng đầu bằng cách MUA token Saigon (SGN) trên Pancakeswap: https://t.co/KJbk71cFe8 (đừng lo lắng về tính thanh khoản, hãy trở thành nhà đầu tư sớm)
  • Được hỗ trợ bởi Công ty Click Digital
  • Nâng cao kiến thức về blockchain và crypto
  • Lợi nhuận sẽ dùng để mua lại SGN hoặc đốt bớt nguồn cung SGN để đẩy giá SGN tăng.
  • Địa chỉ token trên mạng BSC: 0xa29c5da6673fd66e96065f44da94e351a3e2af65
  • Twitter: https://twitter.com/SaigonSGN135
  • Staking SGN: http://135web.net
Rate this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *