Lý do bạn nên quan tâm đến điều này là bởi vì tình hình kinh tế sẽ bị ảnh hưởng mạnh đến nỗi, nó ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày của bạn. Ví dụ như: giá xăng trong tháng 4/2020 giảm còn một nửa, lương nhân viên đang thấp xuống từ từ, kiếm việc khó khăn, đầu tư cổ phiếu, kinh doanh,… Sau khi phân tích, sẽ nêu ra những ảnh hưởng trực tiếp, và phương án cho người lao động hoặc các nhà đầu tư là gì?
Table of Contents
1. Liệu kinh tế sẽ phục hồi, hay là một bầu trời u ám?
Đây là câu hỏi tiền đề quan trọng nhất cho toàn bộ bài phân tích bên dưới.
Tháng 4/2020, khi Việt Nam là nước ít bị ảnh hưởng bởi dịch, và được công bố ngưng cách ly, điều này làm cho hoạt động kinh tế được khôi phục trở lại. Đây là sự thật. Kể từ khi công bố hết dịch, chứng khoán (chỉ số VN-index) bắt đầu có sự tăng nhẹ ngược trở lại.
Nhưng liệu trong tương lai tiếp theo, kinh tế sẽ phục hồi, hay sẽ bắt đầu “ngấm đòn” từ sự kiện virus Covid-19/Corona của quý 1/2020 ?
Chúng ta hãy cùng điểm qua các số liệu như: tình hình kinh tế thế giới hiện nay, các sự kiện suy thoái trong lịch sử, từ đó rút ra được thời gian kéo dài bao lâu, chúng ta cần hành động gì.
1.1. Tình hình kinh tế thế giới hiện nay
Bất kỳ một nền kinh tế nào cùng đều trải qua 1 vòng tuần hoàn (business cycle) bao gồm 4 chu kỳ: suy thoái, khủng hoảng, phục hồi và hưng thịnh. Có thể miêu tả nó như 1 đồ thị parabol.
Vậy thì chúng ta đang ở chu kỳ nào?
Vào năm 2020, ngay cả khi không có dịch virus, thì nền kinh tế thế giới đang bước vào giai đoạn suy thoái. Năm 2019, chúng ta có thể nhìn thấy kinh tế thế giới cũng đã rất dễ bị tổn thương.
Tăng trưởng toàn cầu năm 2019 chỉ ở mức 2,9% – thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng 2008-2009. Kết quả hoạt động của hầu hết nền kinh kế quan trọng cuối năm 2019 vừa thấp vừa bất định: Trong quý IV/2019, tăng trưởng của Mỹ chỉ đạt 2,1%, Trung Quốc chỉ 6% (thấp nhất trong 27 năm qua), Nhật giảm 6,3%. Trong tháng 12/2019, sản lượng công nghiệp của Đức và Pháp đều tăng trưởng âm, lần lượt là -3,5% và -2,6%.
Nếu nhìn vào thị trường bất động sản, ta cũng có thể thấy giá đất hiện giờ quá cao so với khả năng thu nhập của người lao động Việt Nam, tăng gấp 2 3 lần chỉ trong 2 3 năm đổ lại đây. Khi đã ở chu kỳ đỉnh, giá cao, người mua không mua được, lượng cầu ít hơn cung, bất động sản đóng băng không có giao dịch, thì tự khắc giá sẽ tiến tới chu kỳ giảm.
1.2. Phân tích các sự kiện suy thoái trong lịch sử
Chúng ta hãy cùng xem qua các cuộc khủng hoảng kinh tế lớn nhất trong lịch sử, từ đó rút ra thời gian các cuộc khủng hoảng kéo dài là bao lâu, và khi nào thì nền kinh tế thế giới và Việt Nam mới thực sự “ngấm đòn” của Covid-19.
1.2.1. Năm 1929 – 1939
Đại Khủng Hoảng (The Great Depression) diễn ra ở Mỹ.
Sự đổ vỡ kinh hoàng tiếp tục xảy ra vào “Ngày thứ ba đen tối” (20/10/1929), khi thị trường ghi nhận đà tụt dốc nhanh hơn trước. Hàng tỷ USD đã bốc hơi khỏi nền kinh tế, khởi đầu một quá trình tài chính hỗn loạn, với việc 4.000 ngân hàng đổ vỡ vào năm 1933. Sự rối ren này đã dẫn tới cuộc Đại suy thoái chấn động lịch sử; gây hậu quả nặng nề cho nước Mỹ và lan rộng ra châu Âu trong suốt một thập kỷ.
Hãy lưu ý những mốc thời gian được nêu ra, ở đây là kéo dài trong suốt một thập kỷ.
1.2.2. 1973 – Khủng hoảng giá dầu OPEC
Lý do cuộc khủng hoảng nổ ra là do các quốc gia thuộc Tổ chức Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) quyết định trả đũa nước Mỹ vì hỗ trợ vũ trang cho Israel. Các nước OPEC tuyên bố cấm vận dầu mỏ, ngừng xuất khẩu dầu cho Mỹ, dẫn đến việc thiếu dầu trầm trọng và tăng giá dầu.
Giá dầu tăng kéo đến khủng hoảng kinh tế, khiến chỉ số FT30 của Sở Giao dịch Chứng khoán London bốc hơi 73% giá trị, và GPD của Mỹ giảm 2.2%. Nhìn trong biểu đồ, ta có thể thấy giá dầu tăng dần, mắc dần liên tục trong suốt 7 năm thì mới đạt đỉnh và hạ nhiệt.
1.2.3. 2001 – Sự sụp đổ của các công ty “dot com”
Hay còn được gọi là bong bóng “dot com” / bong bóng Y2K.
Quá trình phát triển chóng mặt của internet vào cuối những năm 1990 đã dẫn tới cái gọi là bong bóng “dot com”. Giá trị của một số công ty công nghệ được đánh giá quá cao so với thu nhập thực tế của họ. Sau một thời gian dài với sự gia tăng giá cả bất hợp lý, thì đến năm 2000, bong bóng vỡ, giá cổ phiếu bắt đầu rớt và dần chạm đáy. Chẳng bao lâu sau đã khiến nước Mỹ một lần nữa rơi vào suy thoái, khiến kinh tế toàn cầu lao đao. Chỉ số S&P 500 rơi xuống đáy vào cuối tháng 10/2002, tức là sự suy thoái kéo dài 2 năm.
1.2.4. 2007 – 2009 – Cuộc khủng hoảng thế chấp độc hại
Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu gần đây nhất đã bùng phát và cuối thập niên vừa qua. Cuộc khủng hoảng thế chấp độc hại này xảy ra khi các ngân hàng Mỹ cho vay thế chấp mua nhà lãi suất cao với những người không có khả năng thanh toán tài chính. Khi các khoản nợ không thể được chi trả, giá đất chạm đáy, hàng triệu người mất nhà cửa, hàng loạt hệ thống ngân hàng đóng cửa, lúc đấy bong bóng tài chính bùng nổ. Đỉnh điểm là việc một đế chế ngân hàng với lịch sử 100 năm mang tên Lehman Brothers đệ đơn phá sản vào năm 2008. Đến đầu năm 2010, kinh tế mới có thể phục hồi trở lại.
2. Suy thoái do Covid-19 sẽ kéo dài bao lâu?
Từ những đợt khủng hoảng trong lịch sử, ta có thể thấy thời gian các đợt khủng hoảng gần đây kéo dài trung bình trong khoảng 2 năm.
- Giai đoạn 1: Tháng 3-4/2020: Dịch bệnh bùng phát. Ban bố lệnh cách ly toàn xã hội. Các công ty đóng cửa. Người lao động ngưng làm việc. Đã xảy ra.
- Giai đoạn 2: Tháng 5/2020: Dừng cách ly xã hội. Hoạt động kinh doanh như bình thường. Kinh tế ở Việt Nam tạm thời thoát khỏi trạng thái đóng băng.
- Giai đoạn 3: Nửa sau năm 2020 – kéo dài 1 2 năm tới. Kinh tế sẽ bắt đầu chịu ảnh hưởng bởi sự suy thoái và đại dịch Covid-19 từ Mỹ, châu Âu, Trung Quốc, và các nước phát triển. Kinh tế thế giới sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới kinh tế Việt Nam, bởi 2 lý do sau:
- Nguồn vốn của các công ty Việt Nam phụ thuộc phần lớn vào quỹ đầu tư từ nước ngoài.
- Hãy nhớ GDP kinh tế nước ta phụ thuộc rất lớn vào xuất khẩu cho các thị trường phát triển ở nước ngoài, đó là một trong những yếu tố hàng đầu.
- Ở các công ty lớn, các kế hoạch và báo cáo kế toán kéo dài theo quý và năm. Quý 2 thì các công ty nước ngoài mới bắt đầu “ngấm đòn”.
- Đừng coi nhẹ sự tác động của dịch Covid-19, dịch SARS vào năm 2002 tuy nhẹ hơn rất nhiều cũng đã làm trì trệ nền kinh tế rồi, huống hồ gì đại dịch mà hầu như không có nước nào không nhiễm, số người nhiễm hiện tại (ngày 23/04) là 2.6 triệu, còn số người chết là 183,000 người.
- Suy ra: Không như mọi người lầm tưởng, hết cách ly tức là kinh tế bình thường và phục hồi trở lại ngay. Mà nền kinh tế đang có tiềm ẩn nhiều nguy cơ sẽ suy thoái từng bước một.
Chưa hết, ở giai đoạn 3, sự suy thoái kinh tế Việt Nam sẽ kéo theo nhiều hệ lụy, công ty không có nguồn vốn => cắt giảm kinh doanh => cắt giảm nhân sự / người lao động mất việc làm => người lao động giảm thu nhập, giảm nhu cầu tiêu dùng, giảm cầu => các công ty kinh doanh khó khăn => công ty phá sản => và người lao động lại tiếp tục mất việc làm => suy thoái tiếp tục diễn ra => cho đến khi rơi vào đáy khủng hoảng
Điều này sẽ kéo dài tầm 2 năm / hoặc 1-3 năm, trước khi rơi vào đáy khủng hoảng. Sau đó kinh tế mới bắt đầu từ từ hồi phục do: cung đã giảm xuống để cung = cầu, giá cả vật chất rẻ, làm ăn trở lại.
3. Suy thoái ảnh hưởng trực tiếp gì đến chúng ta?
Vào những thời điểm chuyển biến như thế này, chúng ta cần biết thứ gì là tài sản có giá trị nhất, để tích lũy thứ đó. Trong trường hợp lần này, đó là tiền mặt.
Tiền mặt lúc này có giá trị cao nhất do: vật giá rẻ, không có việc làm, kiếm tiền khó khăn, người dân cần tiền mặt để tồn tại.
Điển hình gần đây nhất, vào ngày 21/04, giá dầu thế giới tuột xuống mạnh nhất trong lịch sử gần đây, giá như cho không, dầu bị bán tháo. Ở Việt Nam chúng ta cũng thấy, giá dầu giảm phân nửa, như tháng trước, đổ đầy bình xăng xe máy hết 60,000đ, thì giờ còn có 30,000đ. Dầu bị ảnh hưởng nhanh nhất, lý do là đang tới kỳ đáo hạn, nên tin tức được đề cập sớm, các nhà đầu tư bán tháo, nên giá thụt giảm nhanh. Còn những sản phẩm, ngành nghề khác, dự đoán là giá trị của nó cũng sẽ giảm dần sau đó.
- Giai đoạn 1: Là giai đoạn còn làm ăn được, còn dễ tích tiền mặt, trong khoảng 1 năm tới, và dễ nhất là trong 1-2 tháng tới. Tuy bạn thấy Covid-19 đã làm cho việc làm ăn trở nên rất khó khăn, nhưng đây mới chỉ là điểm bắt đầu của đồ thị đi xuống. Vì vậy, hãy ráng làm việc và tích nhiều tiền mặt nhất có thể, để đối diện với giai đoạn khó khăn sắp tới.
- Giai đoạn 2: Khó kiếm tiền. Lúc này đã lộ rõ về sự suy thoái kinh tế.
- Giai đoạn 3: Chạm đáy. Tiền mặt giá trị nhất, vật giá rẻ nhất. Liên tục xuất hiện những bài báo về khủng hoảng kinh tế. Lúc này ai giữ tiền mặt là vua. Mua được nhiều thứ giá rẻ. Lãi suất ngân hàng cũng tăng nữa.
Đối với những ai thiếu tiền trong giai đoạn 2 & 3 này, kiếm tiền cực kỳ khó. Vậy lối thoát cho họ là gì? Hãy cân nhắc đến việc vay một ít vốn, mua hàng tồn, để chờ đến khi đồ thị đi lên, kinh tế dần khôi phục, lúc đó bán ra, kinh doanh, sẽ lời rất nhanh, có thể bù lại tiền lãi vay. Tuy nhiên cần thận trọng khi dùng tiền vay để kinh doanh, vì tiền vay vốn không phải là tiền của bản thân, rất dễ để bạn tiêu xài hoang phí, kinh doanh thua lỗ, như thế thì càng chết. Những người vay tiền thường không hiểu được cái khó khi kiếm được từng đồng, sẽ không xài tiền cẩn thận bằng những người tự gầy dựng vốn lên mà kinh doanh.
Trong trường hợp bạn đã bị ảnh hưởng bởi đợt khủng hoảng này (mất việc, phá sản, nợ nần): Hãy tiết kiệm tối đa hết mức có thể. Hãy quên đi lối sống tiêu xài ở những năm tháng trước đây, bắt đầu làm lại. Hãy bỏ qua sĩ diện, sống đúng với bản chất nội tại kinh tế của bản thân. Tránh vay mượn tiêu xài chỉ để thể hiện ta đây kinh tế vẫn còn vững vàng với bạn bè, mặc sức hoang phí. Mình biết, để bắt đầu làm lại từ đầu, tuy rất khó, nhưng đều xứng đáng. Quên đi những mục tiêu to lớn trước đây, hoặc bỏ qua tạm thời. Thay vào đó, hãy chia nhỏ mục tiêu lại, để từng bước gầy dựng lại sự hứng khởi của bản thân. Cố lên bạn tôi ơi. Sau này về già nhìn lại, chúng ta có thể tự hào vì đã sống sót ra sao trước những khó khăn đó. Khó khăn càng cao, thì chuyện kể của bạn càng chân thực có sức hút, chẳng hạn: “Chúng bây có biết hồi khủng hoảng kinh tế năm 2022 tau đã thua lỗ làm mất tới 15 tỷ, và đã đứng lên như thế nào không?”. Vâng, và đó là chuyện thật của mình đấy. Và mình cũng đang từng bước vực dậy.
Nếu bạn đang lo lắng, stress, không sao cả các bạn ạ. Khủng hoảng kinh tế lần này lan rộng toàn cầu, và sẽ làm cho toàn bộ thế giới rơi vào stress, cũng y như khủng hoảng kinh tế năm 2008. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng có mối liên quan mật thiết giữa khủng hoảng kinh tế và các vấn đề bất ổn về tâm lý. Khoảng 35% số người bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế thừa nhận rằng họ rơi vào trầm cảm. Mọi người cũng như nhau cả thôi, nên bạn có thể yên tâm phần nào, bạn nhé. Đương đầu với nghịch cảnh, rồi chúng ta sẽ trở thành Phượng Hoàng Tái Sinh!
Người Trung Quốc có câu: Trải qua cảnh trường dạ vị ương, rồi sẽ đến ngày Diễm dương cao chiếu (Tức “Trải qua cảnh đêm dài bất tận, rồi sẽ đến ngày mặt trời chiếu sáng trên cao”), hay người Việt Nam chúng ta thường nói rằng: “Sau cơn mưa trời lại sáng”.
Trên đây là những nhận định và phân tích về nền kinh tế Việt Nam sắp tới, những ảnh hưởng của nó đến bạn, và phương án người lao động và các nhà kinh doanh nên làm những gì. Có thể dự đoán không chính xác, nhưng cũng là dự đoán có cơ sở, phân tích có kiểm chứng. Chúc các bạn có sự chuẩn bị tốt cho những giai đoạn sắp tới.
Tham khảo thêm các bài viết về kinh doanh; tin tức hoặc marketing trong kinh doanh tại đây.
Viết bởi: Vietnam Pham – Click Digital
Digital Marketing Specialist